Thói quen chiếm dụng vỉa hè khiến việc mở rộng thu phí còn nhiều khó khăn

Ông Hoàng Phúc Dũng - Phó trưởng phòng Khai thác quản lý hạ tầng giao thông đường bộ cho hay, nhiều người dân vẫn giữ thói quen và tâm lý coi vỉa hè, lòng đường trước nhà mình như tài sản riêng, tự ý quản lý và sử dụng, gây khó khăn cho việc triển khai thu phí.

Vỉa hè thông thoáng, gọn gàng

Vỉa hè trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1), gần chợ Bến Thành, TP.HCM hiện được chia thành ba khu vực rõ ràng bằng vạch sơn: phần ngoài cùng rộng khoảng 1m là nơi để xe máy, phần giữa dành cho người đi bộ với chiều rộng gần 2 mét, và phần trong cùng có diện tích tương tự được cho thuê để các hàng quán buôn bán.

So với trước, khu vực dành cho người đi bộ đã được phân định rõ ràng bằng 2 vạch kẻ vàng và trắng, giúp thông thoáng hơn. Theo quy định, vỉa hè phải rộng ít nhất 3m để một phần có thể được sử dụng, trong đó ít nhất 1,5m dành cho người đi bộ.

Vỉa hè chia khu vực rõ ràng, thuận lợi cho cả cơ sở kinh doanh và người đi bộ

Ông Nguyễn Văn Tài dắt xe máy vào đúng vị trí quy định trước cửa tiệm của mình trên đường Phan Bội Châu, đối diện chợ Bến Thành. Ông cho biết, trước đây, vỉa hè rộng hơn 5m nhưng người đi bộ vẫn phải chen chúc tìm chỗ đi vì xe máy, bàn ghế và các sạp bán hàng lấn chiếm toàn bộ không gian. Từ khi có quy định phân chia rõ ràng, các hộ kinh doanh đã có ý thức hơn trong việc giữ lại không gian cho người đi bộ.

Tại bãi giữ xe trên đường Phan Chu Trinh, khu vực cửa Tây chợ Bến Thành, không gian cũng đã được tổ chức gọn gàng hơn, với các xe máy xếp ngay ngắn theo vạch kẻ thu phí, để lại lối đi cho người đi bộ. Trước đó, vỉa hè tại đây chủ yếu được sử dụng để xe, buộc người đi bộ phải đi xuống lòng đường hoặc tìm lối nhỏ len lỏi qua.

Vỉa hè trên đường Hải Triều, trước tòa nhà Bitexco cũng được sắp xếp trật tự, với chỗ để xe máy, lối đi bộ và khu vực dành cho bàn ghế của các cửa hàng thuê mặt bằng, khác hẳn cảnh lộn xộn do hàng rong và xe máy lấn chiếm vài tháng trước.

Anh Đặng Văn Ninh - quản lý một quán phở trên đường Hải Triều cho biết, quán của anh đã thuê vỉa hè với chi phí khoảng 5 triệu đồng cho ba tháng. Trước đây, khi có lực lượng trật tự đô thị kiểm tra, quán phải nhanh chóng dọn bàn, gây phiền phức và bất tiện cho cả quán và khách hàng. Từ khi thu phí vỉa hè, quán có thể đặt thêm 3 bộ bàn ghế, giúp khách ngồi thoải mái hơn mà vẫn giữ được lối cho người đi bộ.

Ông Nguyễn Văn Tài - chủ một quán cà phê trên đường Phan Bội Châu cho biết, từ khi áp dụng thu phí, việc phân chia không gian trở nên hợp lý hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho cả hoạt động kinh doanh và người đi bộ.

Tổng số tiền thu phí lòng đường, vỉa hè tại TP. HCM đã đạt 4,8 tỷ đồng

Vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết

Liên quan đến thu phí vỉa hè, mới đây ông Hoàng Phúc Dũng - Phó trưởng phòng Khai thác quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải TP. HCM) cho biết, đến nay Sở cùng với các quận 1, 3, 10 và 12 đã thực hiện thu phí lòng đường, vỉa hè với tổng số tiền 4,8 tỷ đồng. Trong đó, Sở thu 1,6 tỷ đồng từ các hoạt động văn hóa và công trình phục vụ giao thông công cộng như trạm xe đạp. 4 quận còn lại thu 3,2 tỷ đồng từ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ và việc trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng.

Sở Giao thông Vận tải TP. HCM ghi nhận điểm tích cực trong giai đoạn đầu của việc thu phí là đã tạo được sự đồng thuận của người dân khi sử dụng tạm thời lòng đường và vỉa hè đúng quy định. Đồng thời, Sở đang phối hợp với các đơn vị liên quan để rà soát và giải quyết các vướng mắc trong quản lý và thu phí, nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tế.

Dù vậy, Sở nhìn nhận việc triển khai thu phí lòng đường, vỉa hè là một nhiệm vụ mới và có phạm vi tác động rộng lớn. Trong quá trình thực hiện, đã phát sinh nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến việc thay đổi thói quen, hành vi của người dân và tổ chức có liên quan đến việc sử dụng vỉa hè, lòng đường. Điển hình là việc, nhiều người dân vẫn giữ thói quen và tâm lý coi vỉa hè, lòng đường trước nhà mình như tài sản riêng, tự ý quản lý và sử dụng, gây khó khăn cho việc triển khai thu phí.

Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cũng cho biết còn nhiều hạn chế như lòng đường và vỉa hè tại một số khu vực quá hẹp và nhiều công trình chưa được bảo trì kịp thời do thiếu nguồn kinh phí.

Trước đó, tại buổi họp báo ngày 12/1/2024, Sở đã nhấn mạnh mục tiêu của việc thu phí lòng đường, vỉa hè là nhằm lập lại trật tự, mỹ quan đô thị, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nâng cao trách nhiệm cá nhân, đảm bảo an toàn giao thông và khai thác hiệu quả, minh bạch các nguồn lực phù hợp với đặc thù của thành phố.