Ông Trump cho biết trong một cuộc phỏng vấn diễn ra hôm thứ Ba vừa qua: “Tôi ủng hộ TikTok vì bạn cần sự cạnh tranh. Nếu không có TikTok, Facebook và Instagram sẽ không có đối thủ”.
Những phát ngôn gần đây của ông Trump gây ngạc nhiên đối với giới quan sát bởi trước đó, ông từng gọi TikTok là “mối đe dọa” đối với an ninh quốc gia Mỹ. Tại thời điểm năm 2020, khi còn là Tổng thống Mỹ, ông Trump đã cố gắng cấm TikTok và Wechat - là những nền tảng do các công ty Trung Quốc sở hữu, tuy nhiên động thái này đã bị ngăn chặn bởi tòa án. Tiếp đó, vào tháng 6/2021, Tổng thống Joe Biden đã rút lại một loạt các lệnh hành pháp thời Trump nhằm cấm WeChat và TikTok.
TikTok hiện có khoảng 170 triệu người Mỹ sử dụng. Ông Trump cũng đã tham gia vào mạng xã hội này từ tháng trước. Trong một bài phỏng vấn diễn ra hồi tháng 6, ông này khẳng định sẽ không bao giờ ủng hộ lệnh cấm TikTok.
Ông Trump từng có vấn đề căng thẳng với các nền tảng Facebook và Instagram của Meta sau khi cuộc bạo loạn gây ở Capital Hill diễn ra vào ngày 1/6/2021. Với những phát biểu được cho là vi phạm quy định của nền tảng, ông này đã bị đình chỉ tài khoản trong suốt 2 năm, phải đến gần đây, các hạn chế mới được dỡ bỏ. Tuy nhiên, điều này không khiến cho ông Trump tiếp tục mặn mà trở lại.
Ông Trump hiện nắm giữ phần lớn cổ phần trong công ty truyền thông mạng xã hội Trump Media and Technology Group, điều hành mạng lưới Truth Social. Mạng xã hội này được thành lập ngay sau khi lệnh cấm Facebook và Instagram đối với tài khoản của ông Trump có hiệu lực. Ở thời điểm mới ra mắt, Truth Social thậm chí còn đứng đầu lượt tải xuống trên App Store, mặc dù vậy sự tăng trưởng này không được duy trì lâu. Trump Media có vốn hóa thị trường 7 tỷ USD mặc dù doanh thu quý chỉ đạt 770.000 USD, tương đương với 2 cửa hàng Starbucks ở Mỹ.
Ngày 25/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật yêu cầu TikTok bán tài sản ở Mỹ trước hạn 19/1/2025 hoặc bị cấm hoàn toàn tại nước này. Động thái này diễn ra một ngày sau khi quốc hội phê duyệt dự luật và chuyển tới Nhà Trắng.
Các nhà lập pháp Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu về người Mỹ hoặc theo dõi họ bằng ứng dụng TikTok. Yêu cầu ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok được thông qua tại Quốc hội Mỹ với số phiếu áp đảo.
Vào tháng 9 tới đây, một tòa phúc thẩm sẽ tổ chức phiên tranh luận trực tiếp về các thách thức pháp lý đối với luật mới yêu cầu Bytedance – công ty mẹ của TikTok phải thoái vốn khỏi khối tài sản khổng lồ từ TikTok Mỹ, trước khi áp dụng lệnh cấm có hiệu lực. Đây sẽ là mốc quan trọng, quyết định sự "đi hay ở" đối với sự hiện diện của nền tảng mạng xã hội này tại Mỹ.