TP. HCM: 5 công trình tiêu biểu được xếp hạng Di tích Kiến trúc – Nghệ thuật cấp thành phố

Chợ Bến Thành, trụ sở UBND Q.1 và 3 công trình khác vừa được Sở VH&TT TP. HCM công bố quyết định xếp hạng Di tích Kiến trúc – Nghệ thuật cấp thành phố. Đáng nói có công trình đến nay đã gần 170 tuổi.

Vừa qua, Sở VH&TT TP. HCM đã công bố quyết định xếp hạng Di tích Kiến trúc – Nghệ thuật cấp thành phố cho 5 công trình. Cụ thể là: Chợ Bến Thành, trụ sở UBND Q. 1, Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo, trụ sở Cục Hải quan TP. HCM, khu mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty thừa vụ lang họ Trần.

Chợ Bến Thành

Chợ Bến Thành là một trong những công trình biểu tượng cho hoạt động thương mại, du lịch của TP. HCM. Chợ được xây dựng từ năm 1912 và tới tháng 3/1914 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng, tính đến nay đã tròn 110 năm.

Chợ Bến Thành có quy mô 13.000m2

Chợ Bến Thành có tổng diện tích khoảng 13.000m2, nằm trên trục 4 đường lớn là Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tôn và Công trường Quách Thị Trang thuộc Q.1. Chợ có 4 cổng được đặt theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.

Năm 1985, chợ được cải tạo, sửa chữa và hoạt đông cho tới ngày nay. Được biết di tích Chợ Bến Thành sẽ được Sở VH&TT, UBND Q.1, UBND phường Bến Thành thực hiện quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Trụ sở Cục Hải quan TP. HCM

Công trình kiến trúc cổ này được xây dựng vào thời kỳ 1885 – 1887 do kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Alfred Foulhoux thiết kế. Công trình nằm gần bến Bạch Đằng (Q.1), sau khi xây dựng hoàn thiện, chính quyền Sài Gòn đã lựa chọn nơi đây làm trụ sở Thuế và Hải quan thời Pháp thuộc. Sau năm 1975, công trình được dùng làm trụ sở Cục Hải quan TP. HCM cho tới ngày nay.

Trụ sở Cục Hải Quan TP. HCM (Ảnh: Thanh Tùng - VnE)

Công trình có mô típ trang trí đầu cột và mái vòm vô cùng tinh xảo. Toàn bộ hệ thống cửa chính, cửa sổ đều được làm bằng gỗ. Bên ngoài các dãy hành lang là hệ thống cửa vòm, rèm cuốn nên luôn đảm bảo ánh sáng và thông thoáng.

Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm lịch sự, nhiều lần đổi tên gọi nhưng công năng của tòa nhà này vẫn được dùng làm trụ sở cơ quan Thuế và Hải quan của chính quyền đương thời. Cùng với những công trình nằm ven sông Sài Gòn, trụ sở Cục Hải quan chính là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của đô thị TP. HCM.

Trụ sở UBND Q.1

Năm 1876, trụ sở UBND Q.1 được xây dựng tại địa điểm gần Bưu điện TP. HCM và Nhà thờ Đức Bà. Ban đầu, công trình này đươc dùng làm nơi vui chơi giải trí cho các sỹ quan cao cấp của Pháp. Sau năm 1954, chính quyền Sài Gòn đã xây dựng một số hạng mục và đặt trụ sở Bộ Tư Pháp tại đây. Sau ngày 30/4/1975, công trình này trở thành trụ sở của UBND Q.1.

Trụ sở UBND Q.1 với lối kiến trúc Pháp

Công trình được xây dựng 2 tầng với lối kiến trúc đặc trưng của Pháp. Trải qua gần 150 năm, đến nay công trình này vẫn giữ được nét kiến trúc ấn tượng, độc đáo như thời điểm mới xây dựng.

Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo

Công trình Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo được xây dựng từ năm 1932 tại số 36 Võ Thị Sáu, Q.1. Đền thờ được xây dựng bên trong khuôn viên của chùa Vạn An cũ. Ngôi đền này là nơi tổ chức các ngày lễ lớn trong năm như lễ sinh (10 tháng Chạp) và lễ giỗ (20 tháng 8 Âm lịch) của Đức thánh Trần Hưng Đạo.

Cổng chính của Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo

Chánh điện ngôi đền rộng khoảng 200m2 được chia làm 2 khu vực là tiền điện và hậu điện. Tại đây, không gian thờ cúng được bài trí trang nghiêm với hương án, tàn lọng, đôi hạc, hoành phi, đồ bát bửu… Đền thờ có 3 cổng, 1 cổng chính ở giữa và 2 bên cổng phụ. Cổng chính có mái ngói uốn cong, trang trí hình rồng, phụng.

Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo tại TP. HCM là một trong những điểm đến tín ngưỡng linh thiêng của người dân vào các ngày rằm, 30 Âm lịch và dịp Lễ Tết.

Bên trong ngôi đền thờ có pho tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo làm bằng xi măng, thép

Khu mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty thừa vụ lang họ Trần

Khu di tích này được xây dựng năm 1856, là nơi chôn cất vợ chồng ông quan họ Trần từng giữ chức Thừa vụ lang của Ty kiểm duyệt bộ binh dưới thời vua Tự Đức. Công trình có tường bao xung quanh.

Bên trong, 2 ngôi mộ nằm song song kiểu “ngư miêu” được xây bằng đá ong, gạch, bên ngoài tô hợp chất. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, chính những vật liệu độc đáo này đã giữ vai trò kết dính, tô trát tạo nên bề mặt kiến trúc. Kiểu thức trang trí chủ đạo của 2 ngôi mộ là khắc vạch, đắp nổi.

Khu mộ là công trình kiến trúc mộ cổ tiêu biểu của TP. HCM (Ảnh: Tiền Phong)

Cả 2 ngôi mộ đều có hình thức khá đặc biệt và khác lạ, 2 bên hông mộ đắp nổi đầu rùa nhìn về bình phong hậu. Đây được xem là công trình kiến trúc mộ cổ tiêu biểu ở TP. HCM.

Đến thời điểm hiện tại, TP. HCM có 193 di tích lịch sử – văn hóa được xếp hạng. Trong đó, 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 58 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 133 di tích cấp thành phố. Hiện nay, TP. HCM vẫn còn hơn 130 công trình, địa điểm nằm trong danh mục kiểm kê di tích lịch sử – văn hóa.