TP. HCM: Cuộc sống của người dân đảo lộn vì triều cường đạt đỉnh

Tại TP. HCM, thời điểm này thường xuất hiện triều cường dâng cao. Triều cường kết hợp với mưa lớn và tình trạng kẹt xe khiến người dân vô cùng ngán ngẩm và mệt mỏi. Việc di chuyển khó khăn đã đành, nước còn tràn vào nhà gây hư hại đồ đạc và nguy hiểm cho hệ thống điện trong gia đình.

Nước ngập nhiều ngày chưa rút

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, triều cường tại TP. HCM vào chiều tối 18/10 đã đạt đỉnh 1,8m - một mức lịch sử tương đương với lần triều cường cao nhất được ghi nhận vào tháng 9/2019. Dù TP. HCM đã đầu tư nhiều dự án giảm ngập và ngăn triều, nhưng đến nay nhiều công trình vẫn chưa hoàn thành, khiến triều cường vẫn là "đặc sản" quen thuộc ở thành phố.

Như tại quận 7 (TP. HCM), vào sáng ngày 18/10, triều cường lại dâng, trong khi nước sau trận mưa trước đó chưa kịp rút khiến nhiều nhà dân bị ngập. Thậm chí, có nơi còn ngập sâu tới cả mét. Đây là khu vực đông dân cư, chủ yếu là công nhân sinh sống, nên tình trạng ngập nghiêm trọng đã gây nhiều khó khăn cho người dân trong việc di chuyển vào buổi sáng.

Triều cường kết hợp mưa lớn gây ngập tại nhiều tuyến đường ở TP. HCM (Ảnh: Lê Phan)

Nhiều phụ huynh phải lội qua dòng nước ngập để cõng con đi học, một số khác phải dùng túi nhựa bọc kín cặp và giày để tránh bị ướt. Hình ảnh phụ huynh khốn khổ lội nước, cõng con trên vai khiến không ít người ngỡ ngàng khi nghĩ đây là cuộc sống trong lòng một đô thị lớn.

Triều cường kết hợp với mưa lớn và tình trạng kẹt xe khiến người dân vô cùng ngán ngẩm và mệt mỏi. Việc di chuyển khó khăn đã đành, nước còn tràn vào nhà gây hư hại đồ đạc và nguy hiểm cho hệ thống điện trong gia đình.

Nhìn căn phòng trọ chưa đầy 15m² đang bị ngập nước, chị Trần Thị Hiếu (34 tuổi, quê Kiên Giang) thở dài cho biết, chị phải nằm ngủ trên võng vì triều cường dâng lên tràn vào nhà lúc rạng sáng, làm hư hỏng nhiều thiết bị điện tử. Đài dự báo triều cường sẽ còn cao hơn, nên chị phải chuyển đồ đạc lên cao hơn để tránh ngập.

Tại hẻm 67, đường Bùi Văn Ba (quận 7), triều cường kết hợp với mưa lớn đã khiến con hẻm này ngập nước vài ngày, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu rút. Vì con hẻm ngập sâu, nhiều người đi làm về phải gửi xe ở đầu hẻm và lội bộ về nhà. Bà Khưu Thu Lan (77 tuổi) ngồi trong phòng khách ngập nước, chia sẻ bà chưa từng thấy triều cường cao đến mức này. Nước dâng nhanh và tràn vào nhà chỉ trong tích tắc.

Dù đồ đạc trong nhà bà Lan đã được con cháu kê lên cao, nhưng mức triều liên tục đạt đỉnh khiến cả gia đình bất lực khi nhìn tủ lạnh, máy giặt ngâm trong nước. Nhà vệ sinh của gia đình bà cũng bị ngập, không thể sử dụng, khiến sinh hoạt vô cùng bất tiện.

Đồ đạc ngâm trong nước vì triều cường dâng cao (Ảnh: Nam Anh/Dân Trí)

Cũng tại hẻm 67, cuộc sống của gia đình chị Nguyễn Thị Thọ (45 tuổi) bị đảo lộn do triều cường. Đồ đạc trong nhà được kê cao lên hơn nửa mét. Một trong ba đứa con của chị Thọ đã phải nghỉ học hai ngày liền vì nước ngập sâu, không thể đến trường.

Ông Lê Hoàng Anh Vũ (54 tuổi) sau ca làm việc ở khu chế xuất Tân Thuận, phải gửi xe ở đầu hẻm rồi lội bộ vào nhà vì con đường bị ngập sâu. Ông cho biết, chỉ trong vài tháng gần đây, con đường này thường xuyên ngập nước do triều cường và mưa lớn. Nước rút chậm, để lại mùi hôi thối khó chịu. "Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền với mong muốn được giải quyết để người dân sớm thoát khỏi cảnh cứ mưa hay triều cường là ngập nước," ông Vũ chia sẻ.

Mòn mỏi đợi các dự án chống ngập

Từ năm 2016 TP. HCM đã khởi động dự án giải quyết ngập do triều, có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1. Dự án này bao gồm 7 hạng mục chính với 6 cống ngăn triều và 7,8km đê kè ven sông Sài Gòn. Mục tiêu của dự án là ngăn triều cường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho khu vực rộng 570km², ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP. HCM.

Triều cường lên cao làm đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình (Ảnh: Nam Anh/Dân Trí)

Dù đã triển khai nhiều năm qua, nhưng dự án này vẫn kéo dài chưa hoàn thành. TP. HCM cùng với Trung ương đã tổ chức nhiều cuộc họp để tìm giải pháp tháo gỡ, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Gần đây, Chính phủ đã thành lập tổ công tác đặc biệt để giải quyết các điểm vướng mắc.

Một trong những trở ngại lớn nhất là phương thức thanh toán và cấp vốn cho dự án, do các quy định pháp lý chồng chéo. Chủ tịch UBND TP. HCM đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến dự án ngăn triều có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng.

Trong thời gian chờ đợi dự án này được giải quyết, HĐND TP. HCM đã thông qua chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo chống ngập và xây dựng kè dọc đường Trần Xuân Soạn với tổng vốn đầu tư 375 tỷ đồng. Hai dự án này dự kiến sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2025 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận 7 làm chủ đầu tư.

Cả hai dự án này kết hợp với hạng mục cống Tân Thuận thuộc dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ giúp chấm dứt tình trạng ngập lụt tại khu vực đường Trần Xuân Soạn, quận 7.

(Tổng hợp)