TP. HCM: Được thuê vỉa hè, người dân buôn bán thuận lợi, thu nhập khấm khá hơn

Anh Tuấn chia sẻ, dù diện tích thuê chỉ hơn 3m², anh vẫn cảm thấy yên tâm vì có được một chỗ kinh doanh ổn định. Nhờ việc kinh doanh hợp pháp, anh có thể yên tâm buôn bán mà không còn nơm nớp lo lắng phải dọn hàng khi lực lượng đô thị kiểm tra như trước đây.

Mở rộng lên 52 tuyến

Cuối tháng 10 vừa qua, UBND quận 1 (TP. HCM) đã tổ chức hội nghị tổng kết thí điểm và triển khai mở rộng chương trình cho thuê vỉa hè để kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận.

Trước đó, vào tháng 5/2024, quận 1 đã thí điểm cho thuê vỉa hè tại 11 tuyến đường bao gồm: Hoàng Sa (phường Tân Định), Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao), Hải Triều và Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé), Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh (phường Bến Thành), Hàm Nghi (phường Nguyễn Thái Bình), Trần Hưng Đạo (các phường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh, Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho), Cô Bắc (phường Cầu Ông Lãnh) và Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang).

TP. HCM sẽ mở rộng cho thuê vỉa hè tại 52 tuyến đường

Các tuyến đường này đã được đánh giá kỹ lưỡng về cơ sở hạ tầng và đảm bảo không gây cản trở giao thông. Người dân có thể đăng ký sử dụng vỉa hè thông qua ứng dụng “Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời hè phố quận 1”, cho phép tra cứu thông tin về vị trí và chức năng của vỉa hè thông qua bản đồ số tích hợp. Ứng dụng này giúp việc quản lý trở nên thuận tiện và hiệu quả.

Sau hơn 5 tháng thí điểm, quận 1 đã ghi nhận 374 trường hợp đăng ký kinh doanh trên vỉa hè, trong đó phường Bến Thành có số lượng đăng ký cao nhất với 179 trường hợp. UBND quận 1 đánh giá cao hiệu quả của việc thí điểm này. Quận nhấn mạnh, chương trình đã góp phần cải thiện trật tự đô thị, tạo cảnh quan gọn gàng, thông thoáng và đảm bảo lối đi an toàn cho người đi bộ mà không ảnh hưởng đến giao thông chung.

Dựa trên thành công của thí điểm, UBND quận 1 sẽ mở rộng thu phí sử dụng vỉa hè thêm 41 tuyến khác, nâng tổng số tuyến đường cho thuê lên 52. Ứng dụng đăng ký cũng đã được nâng cấp, bổ sung thêm các tính năng như gia hạn đăng ký, đánh giá sự hài lòng và có nút dành riêng cho cán bộ quản lý nhằm cải thiện trải nghiệm, hỗ trợ công tác quản lý.

Ông Vũ Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch UBND quận 1 nhấn mạnh, việc quản lý và sử dụng vỉa hè phải được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo duy trì tối thiểu 1,5m không gian (không tính phần bó vỉa) để phục vụ người đi bộ. Các phường sẽ tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm những vi phạm nhằm duy trì trật tự an ninh và an toàn giao thông.

Ngoài quận 1, các quận 3, 10, 12 và Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cũng đã triển khai thu phí sử dụng vỉa hè cho nhiều mục đích khác nhau. Sở Giao thông Vận tải chủ yếu thu phí từ các hoạt động văn hóa và lắp đặt công trình tiện ích như trạm xe đạp công cộng. Trong khi, các quận tập trung thu phí từ hoạt động kinh doanh dịch vụ, buôn bán, trung chuyển vật liệu và tổ chức sự kiện văn hóa trên vỉa hè.

Được thuê vỉa hè, việc làm ăn của người dân dần đi vào ổn định và nề nếp

Buôn bán ổn định, doanh thu tăng

Vỉa hè đường Lê Thánh Tôn (gần chợ Bến Thành, quận 1) được phân chia thành 3 phần riêng biệt bằng vạch sơn: Khu vực để xe máy, lối đi bộ và khu vực kinh doanh. Nhờ các vạch kẻ rõ ràng, phần vỉa hè dành cho người đi bộ trở nên thông thoáng hơn so với trước đây. Để đủ điều kiện thu phí, mỗi khu vực phải có chiều rộng tối thiểu 3m, trong đó 1,5m được dành riêng cho người đi bộ.

Khu vực này là một trong 11 tuyến đường được quận 1 thí điểm thu phí vỉa hè từ tháng 5. Mức phí dao động từ 20.000 - 350.000 đồng/m², tùy theo vị trí và mục đích sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Tài - chủ một tiệm cà phê trên đường Phan Bội Châu (phường Bến Thành) chia sẻ, từ khi áp dụng thu phí, việc phân chia không gian trở nên gọn gang, quy củ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cả hoạt động kinh doanh và người đi bộ.

Ông Phạm Đình Tứ (quê Quảng Ngãi) buôn bán trái cây trên đường Phan Chu Trinh (phường Bến Thành) cũng cho hay, ông thuê 8m² vỉa hè với giá 800.000 đồng/tháng. Từ khi được thuê vỉa hè, việc làm ăn của ông cùng các tiểu thương ở đây dần đi vào ổn định và nề nếp.

Tuyến đường Phan Chu Trinh cũng trở nên gọn gàng hơn. Phần vỉa hè sát lề đường được thành phố cho thuê làm nơi đậu xe máy cho khách đến chợ Bến Thành, còn phần trong được những người như ông thuê để bán trái cây, nước uống và bánh mì. Phần giữa vỉa hè rộng hơn 1,5m dành làm lối đi bộ, tạo không gian thông thoáng cho người dân và du khách. Việc phân chia rõ ràng này giúp mọi người hiểu rõ công năng của từng phần vỉa hè, tránh tình trạng lấn chiếm lộn xộn như trước.

Ông Tứ bộc bạch, người dân có chỗ buôn bán ổn định, thành phố lại tăng nguồn thu ngân sách, vỉa hè sạch đẹp như vậy là quá tuyệt vời. Ông hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng chứ không chỉ thí điểm rồi dừng lại.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Tuấn - chủ quầy bán nước ở góc ngã tư Hồ Hảo Hớn - Trần Hưng Đạo (phường Cô Giang, quận 1) cho hay, sau hơn 5 tháng đóng phí sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh, công việc của anh ngày càng ổn định. Khách không chỉ đến mua mang đi mà còn thường xuyên ngồi tại chỗ thưởng thức cà phê. Anh cũng thiết lập được một lượng khách quen đều đặn đến quán.

Anh Tuấn chia sẻ, dù diện tích thuê chỉ hơn 3m², anh vẫn cảm thấy tự hào vì có được một chỗ kinh doanh ổn định và đóng góp vào ngân sách Nhà nước. Nhờ việc kinh doanh hợp pháp, anh có thể yên tâm buôn bán mà không còn nơm nớp lo lắng phải dọn hàng khi lực lượng đô thị kiểm tra như trước đây. Mỗi ngày, anh mở bán tại đây từ sáng sớm đến 11 giờ. Anh rất vui khi thành phố tạo điều kiện cho những người lao động như anh có cơ hội thuê vỉa hè để mưu sinh.

Anh Tuấn là một trong hơn 350 hộ dân đã đăng ký thuê vỉa hè trên 11 tuyến đường trung tâm TP.HCM, giúp công việc kinh doanh khởi sắc hơn. Anh và các hộ kinh doanh khác cảm thấy tự hào khi đóng góp vào ngân sách thành phố, góp phần phát triển đô thị.