Từ 1/1/2024, TP. HCM đã áp dụng quy định mới về quản lý lòng đường, hè phố. Theo đó, một số trường hợp được sử dụng và đóng phí với mức 20.000 - 350.000 đồng/m2, tùy khu vực. Vỉa hè thuộc diện "cho thuê" phải rộng ít nhất 3m, trong đó 1,5m dành cho người đi bộ. Theo Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, đề án này nhằm hướng đến mục đích quản lý đô thị công bằng và minh bạch hơn.
Mới đây, UBND quận 1, quận 10 và quận 11 đã gửi đề xuất danh mục các tuyến đường sử dụng tạm thời một phần vỉa hè tới Sở Giao thông vận tải TP. HCM và các đơn vị liên quan. Các quận này cũng đưa ra giải pháp tổ chức thực hiện với các tuyến đường có vỉa hè tổ chức thu phí khi người dân dùng mua bán hàng hóa, kinh doanh dịch vụ...
Ông Vũ Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, qua rà soát, quận xác định có 52 tuyến đường trên địa bàn đủ điều kiện tổ chức các điểm mua bán hàng hóa, kinh doanh dịch vụ có thu phí khi sử dụng vỉa hè. Hiện tại có 10 phường của quận 1 đang rà soát một số tuyến đường thực hiện thu phí thí điểm.
Cụ thể, những tuyến đường này là Bùi Thị Xuân, Cao Bá Quát, Cô Bắc, Cống Quỳnh, Chu Mạnh Trinh, Đề Thám, Điện Biên Phủ, Hai Bà Trưng, Hàm Nghi, Đinh Tiên Hoàng, Hồ Tùng Mậu, Võ Thị Sáu... Những tuyến đường đủ điều kiện thu phí sử dụng vỉa hè đều đảm bảo phần vỉa hè còn lại rộng tối thiểu 1,5m dành cho người đi bộ, thông suốt liên tục.
Quận 1 còn có 12 tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện tổ chức giữ xe thu phí là đường Đinh Tiên Hoàng, Đông Du, Cô Bắc, Hải Triều, Hàm Nghi, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Siêu, Lê Thị Hồng Gấm, Thi Sách, Nguyễn Thị Minh Khai…
Thời gian qua, để quản lý lòng đường và vỉa hè hiệu quả, UBND quận 1 đã xây dựng phần mềm bản đồ số danh mục các tuyến đường nhằm hỗ trợ tra cứu chức năng hè phố. Trước đó, UBND quận 1 đã chi 2 tỉ đồng (từ nguồn xã hội hóa) để kẻ vạch vỉa hè cho người dân đậu xe máy tự quản trên 86 tuyến đường.
Còn tại quận 10, UBND quận đã thống kê được 28 tuyến đường có vỉa hè, đoạn vỉa hè rộng từ 3m trở lên đủ điều kiện sử dụng tạm thời một phần để tổ chức mua bán hàng hóa, kinh doanh dịch vụ hoặc để xe hai bánh không thu tiền, điểm trông giữ xe có thu phí, điểm trung chuyển vật liệu, phế liệu...
Từ hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, quận 10 đã kiến nghị phương án khai thác sử dụng tạm một phần hè phố của 28 tuyến đường trên làm điểm kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa có thu phí.
Quận 10 còn có 4 tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện làm điểm trông, giữ xe có thu phí gồm: Vỉa hè bên hông Bệnh viện Trưng Vương trên đường Lý Thường Kiệt; vỉa hè trước nhà khách Chính phủ trên đường Lý Thái Tổ; vỉa hè trước chợ Hòa Hưng trên đường Cách Mạng Tháng Tám; vỉa hè bên hông Bệnh viện Trưng Vương và trước chợ Hòa Hưng trên đường Tô Hiến Thành.
Quận 10 cũng có 2 tuyến đường chuyên doanh là Nguyễn Tri Phương chuyên ẩm thực và đường Ngô Gia Tự chuyên trang trí nội thất.
Tương tự, UBND quận 11 cũng đã rà soát, xác định được 17 tuyến đường đủ điều kiện giữ xe 2 bánh không thu tiền dịch vụ và 1 tuyến đường để xe 2 bánh có thu tiền dịch vụ là Lữ Gia (từ đường Nguyễn Thị Nhỏ đến Lý Thường Kiệt).
Sau khi đề xuất danh mục các tuyến đường trên, quận 1, quận 10 và quận 11 đã kiến nghị Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, Ban An toàn giao thông TP. HCM cùng Công an TP. HCM xem xét thống nhất danh mục để địa phương có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.