Mới đây, Sở Y tế TP. HCM đã có báo cáo về chỉ tiêu phát triển y tế cộng đồng thực hiện bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân giai đoạn 2021 - 2030 tại TP. HCM. Theo đó, chỉ tiêu chung là đến năm 2025, tuổi thọ trung bình người dân TP. HCM tăng lên 76,8 (năm 2020 là 76,6 tuổi, năm 2023 là 76,5 tuổi). Nâng cao tuổi thọ sống khỏe đến năm 2025 là 67 tuổi.
Ngành Y tế TP. HCM đã thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao tuổi thọ người dân như: Khám chữa bệnh cho người cao tuổi tại trạm y tế và nơi cư trú; trạm y tế lập hồ sơ theo dõi sức khỏe người cao tuổi định kỳ hàng năm; quản lý bệnh mạn tính…
Ngành y tế cũng triển khai đồng bộ các chỉ tiêu khác nhằm nâng cao chất lượng dân số: Chỉ tiêu nâng mức sinh từ 1,32 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ năm 2023 lên 1,4 vào năm 2025; tăng tỷ lệ thanh niên nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; giảm tỷ lệ bà mẹ và trẻ em tử vong khi sinh; giảm chênh lệch giới tính; giảm trẻ em suy dinh dưỡng; giảm tỷ lệ trẻ vị thành niên, thanh niên mang thai ngoài ý muốn; tăng cường sàng lọc trước sinh và sơ sinh…
Đối tượng hiện nay đang được đặc biệt quan tâm chăm sóc là người cao tuổi. Theo Cục Thống kê, năm 2023, TP. HCM có hơn 1,3 triệu người trên 60 tuổi, chiếm trên 12% dân số. Tuổi thọ trung bình của người dân TP. HCM là 76,5, nhiều hơn ba tuổi so với trung bình cả nước là 73,7 tuổi. Mức sinh tại thành phố thấp nhất nước với 1,27 con/phụ nữ.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế TP. HCM cho biết, người cao tuổi tại TP. HCM đang đối diện với gánh nặng "bệnh tật kép" khi mắc các bệnh mạn tính, đối diện với nguy cơ không thể tự chăm sóc trong sinh hoạt do quá trình lão hóa, cùng với đó là chi phí điều trị lớn. Nhiều người già không có thân nhân chăm sóc, trong khi số nhà dưỡng lão tại thành phố còn rất ít, chưa đáp ứng nhu cầu.
Vào năm 2013, Sở Y tế TP. HCM đã triển khai thí điểm khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi. Kết quả ghi nhận hơn 51% số người cao tuổi được khám bị tăng huyết áp, gần 15% mắc đái tháo đường, cùng nhiều bệnh nền như hen phế quản, trầm cảm, rối loạn lo âu, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư... Chương trình thí điểm cũng ghi nhận nhiều người sống trong cảnh phụ thuộc, không thể tự chăm lo hoạt động sống cơ bản hàng ngày như ăn uống, vệ sinh, tắm, mặc quần áo, di chuyển…
Lãnh đạo ngành y tế nhìn nhận hệ thống chăm sóc sức khỏe tại thành phố vẫn chưa thích ứng kịp với sự già hóa dân số nhanh. Môi trường thân thiện với người cao tuổi, các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng chưa được triển khai đồng bộ và mang tính lâu dài.
TP. HCM hiện có 24 cơ sở bảo trợ và nhà dưỡng lão, cả công lập lẫn tư nhân. Rất ít người cao tuổi được chăm sóc trong các cơ sở tập trung, trong khi nhu cầu của người dân ngày càng tăng.
Tại một hội nghị về dân số diễn ra vào cuối tháng 1 vừa qua, ThS. Phạm Chánh Trung - Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP. HCM cho biết, năm 2024, TP. HCM sẽ tiếp tục khám sức khỏe miễn phí cho tất cả người cao tuổi để xác định mô hình bệnh tật, chủ động can thiệp sớm, giảm chi phí điều trị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.