Người dân TP.HCM bức xúc về cách tính tiền sử dụng đất

Nhiều người dân tại TP.HCM đã gửi đơn khiếu nại vì cho rằng cách tính tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đang khiến số tiền phải đóng tăng cao bất hợp lý.

Tiền sử dụng đất “bất ngờ” tăng gấp 2 lần

Bà Phạm Thị Quyển, ngụ tại quận Tân Phú, phản ánh về cách tính tiền sử dụng đất đối với thửa đất 58,8 m² tại phường Sơn Kỳ. Sau khi bà nộp hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất vào ngày 31 tháng 7, UBND quận Tân Phú đã đồng ý và ban hành quyết định. Tuy nhiên, Chi cục Thuế quận Tân Phú thông báo số tiền sử dụng đất hơn 661 triệu đồng, áp dụng hệ số K 2,5 lần trên toàn bộ diện tích đất mà không xem xét đến hạn mức đất ở.

Theo bà Quyển, cách tính này không phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2024, Nghị định 103/2024 và các công văn hướng dẫn liên quan. Bà cho biết nếu tính đúng, số tiền sử dụng đất chỉ khoảng 258 triệu đồng và đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại.

Ông Nguyễn Quang Vinh, cư trú tại huyện Hóc Môn, cũng gửi đơn khiếu nại về việc Chi cục Thuế khu vực quận 12 và huyện Hóc Môn tính sai tiền sử dụng đất cho thửa đất 212,2 m² khi chuyển từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở nông thôn.

Nhiều người dân tại TP.HCM cho rằng cách tính tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất đang khiến số tiền phải đóng tăng cao bất hợp lý

Theo ông Vinh, hồ sơ của ông được nộp trước ngày 1/8/2024, nhưng cơ quan thuế lại áp dụng mức giá đất và hệ số K sau thời điểm này, khiến số tiền phải đóng lên đến hơn 172 triệu đồng. Ông Vinh khẳng định số tiền đúng theo quy định chỉ gần 85 triệu đồng và yêu cầu được tính toán lại.

Tương tự, ông Sơn, ngụ tại quận 12, phản ánh số tiền sử dụng đất hơn 323 triệu đồng mà Chi cục Thuế khu vực quận 12 và huyện Hóc Môn yêu cầu nộp khi chuyển mục đích sử dụng 58,9 m² đất là quá cao. Bởi, thửa đất của ông nằm trong hạn mức đất ở theo quy định tại TP.HCM, không thuộc diện áp dụng hệ số K, tương đương số tiền phải đóng chỉ khoảng 104 triệu đồng.

Theo tiến sĩ Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường, nguyên nhân chính của những bất cập này là sự không thống nhất trong cách hiểu và thực hiện các quyết định của UBND TP.HCM và Cục Thuế TP.HCM.

Ông Thuận cho biết một số chi cục thuế vẫn áp dụng hệ số K nhưng bỏ qua hạn mức đất ở, dẫn đến việc tính sai tiền sử dụng đất. Điều này không phù hợp với Quyết định 02/2020 và Quyết định 56, vốn quy định rõ chỉ áp dụng hệ số K đối với phần đất vượt hạn mức. Ngoài ra, Quyết định 79/2024 nêu rõ các hồ sơ nộp trước ngày 31/10 phải được tính tiền sử dụng đất tại thời điểm tiếp nhận, nhưng quy định này cũng không được thực hiện đầy đủ.

Cần nhất quán trong triển khai chính sách

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận kiến nghị UBND TP.HCM cần chỉ đạo Cục Thuế TP.HCM tuân thủ nghiêm túc các quy định tại Quyết định 79 và đảm bảo tính nhất quán trong cách áp dụng các chính sách liên quan. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần giải quyết triệt để những vướng mắc khi triển khai Luật Đất đai năm 2024, đặc biệt với các hồ sơ đã nộp trước thời điểm quy định mới có hiệu lực. Ngoài ra, việc cải cách hành chính và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý cũng được nâng cao nhằm tránh gây thêm bức xúc và khó khăn cho người dân.

Thực tế, mối lo về tiền sử dụng đất tăng mạnh đã khiến người dân TP.HCM, đặc biệt là các quận, huyện vùng ven “thấp thỏm” nhiều tháng nay. Trước đó, ngay khi thành phố thông báo những hồ sơ nộp trước ngày 31/10 (thời điểm bảng giá đất điều chỉnh có hiệu lực) sẽ được tính thuế và phí theo bảng giá cũ của Quyết định 02, người dân đã gấp rút đi nộp hồ sơ.

Các cơ quan chức năng cần giải quyết triệt để những vướng mắc khi triển khai Luật Đất đai năm 2024, đặc biệt với các hồ sơ đã nộp trước thời điểm quy định mới có hiệu lực

Các Văn phòng Đăng ký đất đai luôn trong tình trạng chật kín người chờ nộp. Theo chị Nguyễn Thảo Nhi (quận Tân Phú), chị đã phải nhờ bên môi giới đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ xin cấp sổ đỏ cho căn nhà trên đường Lê Ngã từ những ngày giữa tháng 10, bởi nếu nộp tiền theo bảng giá đất mới, chi phí sẽ tăng gấp 4 lần.

Tương tự, chị Hương (TP Thủ Đức) cho biết, trước đây đã xin ghi nợ tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích 250 m² đất nông nghiệp sang đất ở, nhưng do khó khăn kinh tế nên chưa thanh toán. Khi biết bảng giá đất mới có thể khiến số tiền sử dụng đất tăng từ 1,2 tỷ lên 4,5 tỷ đồng, chị đã vội vàng vay mượn để đóng trước thời điểm quy định mới có hiệu lực.

Anh Nguyễn Văn Chiến, nhân viên một công ty dịch vụ tư vấn nhà đất cho biết, từ đầu tháng 10, anh đã nộp xong 16 bộ hồ sơ cho khách hàng ở Gò Vấp, quận 12 và Hóc Môn, chủ yếu là hồ sơ chuyển mục đích sử dụng, cấp sổ đỏ hoặc sang nhượng đất. Khi nghe tin giá đất mới sắp áp dụng, nhiều người dân đã vội vàng chạy khắp nơi để tránh phải đóng thuế phí cao hơn gấp 2 -3 lần.

Tình trạng này không phải lần đầu xảy ra. Ngay từ ngày 1/8, khi Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực, lượng người dân nộp hồ sơ đã tăng đột biến. Việc TP.HCM chưa ban hành bảng giá điều chỉnh và hướng dẫn cụ thể về cách tính thuế đất càng khiến lượng hồ sơ bị ùn ứ tại các quận, huyện.

Tuy nhiên, với tình trạng hiện nay, ngay cả khi hồ sơ hoàn thành thủ tục trước “giờ G” cũng vẫn “đứng ngồi không yên” vì tiền sử dụng đất.