Trái phiếu bất động sản lại “tấp nập” gia hạn

Theo báo cáo thị trường trái phiếu mới công bố từ Công ty Chứng khoán VNDirect, hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và trái chủ vẫn duy trì sôi động trong quý III/2024. Đến ngày 15/10, đã có hơn 100 tổ chức phát hành đã đạt được thỏa thuận, chủ yếu là các doanh nghiệp bất động sản.

VNDirect vừa công bố báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) quý III cho thấy, lượng phát hành riêng lẻ tăng gần 30% so với quý II/2024. Trong đó, nhóm ngân hàng chiếm 81% tổng giá trị, nhóm bất động sản chỉ chiếm 14,2%. Nếu không tính nhóm ngân hàng, giá trị phát hành TPDN riêng lẻ trong quý III giảm 14% so với quý II và giảm 44,4% so với cùng kỳ năm trước.

Hơn 80 doanh nghiệp chậm thanh toán

Lãi suất phát hành trung bình của các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong quý III/2024 là 6,94%, thấp hơn mức trung bình 7,36% của quý II/2024, phần lớn là do ngân hàng là nhóm phát hành chính.

Hoạt động mua lại TPDN trước hạn cũng tăng lên, đạt 69.878 tỉ đồng trong quý III, tăng 31,5% so với quý II/2024 và 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 9 tháng đầu năm, tổng giá trị trái phiếu được mua lại trước hạn đạt hơn 146.525 tỉ đồng, giảm 18,5% so với cùng kỳ, trong đó ngân hàng vẫn là nhóm dẫn đầu về mua lại, tiếp theo là nhóm bất động sản.

Đáng chú ý, các cuộc đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và trái chủ vẫn diễn ra sôi động trong quý III/2024. Đến ngày 15/10, hơn 100 tổ chức phát hành đã đạt được thỏa thuận gia hạn với trái chủ và đã báo cáo chính thức lên HNX với tổng giá trị đạt hơn 156.000 tỉ đồng.

Lượng TPDN đến hạn chủ yếu thuộc nhóm bất động sản

 

Trong số này, hơn 58.700 tỉ đồng là trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 đã được gia hạn, chiếm 37,6% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đã được gia hạn.  Phần lớn trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 được gia hạn thuộc về các doanh nghiệp nhóm bất động sản.

Một số tổ chức phát hành có giá trị gia hạn lớn trong quý III bao gồm: Công ty TNHH Điện gió Hòa Đông 2, Công ty TNHH MTV Đầu tư TPI, và CTCP Đầu tư và Xây dựng Đại Thịnh Phát.

Bên cạnh đó, danh sách các công ty chậm thanh toán nợ TPDN vẫn tiếp tục được “nối dài” với hơn 80 doanh nghiệp đã có thông báo từ HNX về chậm thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN (tính đến ngày 15/10).

Số tiền nợ gốc đến hạn trong quý III/2024 của các tổ chức phát hành chậm thanh toán khoảng hơn 8.600 tỉ đồng, chiếm 22,5% tổng giá trị đáo hạn trong quý III và 30,6% nếu loại trừ nhóm ngân hàng. Tổng cộng, số tiền nợ gốc đến hạn và giá trị trái phiếu được gia hạn trong quý III/2024 là hơn 21.700 tỉ đồng, chiếm 42,1% tổng giá trị đáo hạn trong quý III và 52,5% nếu loại trừ nhóm ngân hàng.

Theo ước tính từ VNDirect, tổng dư nợ TPDN riêng lẻ của hơn 80 doanh nghiệp này đạt 190.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 18,6% dư nợ trái phiếu trên toàn thị trường, với phần lớn thuộc nhóm bất động sản.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích Khối khách hàng cá nhân tại Công ty Chứng khoán Maybank, nhận xét rằng trong quý III, có sự chênh lệch đáng kể giữa kế hoạch mua lại trái phiếu trước hạn và lượng trái phiếu đáo hạn.

Thị trường TPDN vẫn có điểm sáng

Theo số liệu từ Chứng khoán Maybank, tổ chức phát hành dự kiến mua lại khoảng 2.000 tỉ đồng trái phiếu, trong khi lượng trái phiếu đáo hạn lên đến khoảng 35.000 tỉ đồng, cao hơn đáng kể so với lượng phát hành mới đạt khoảng 27.000 tỉ đồng. Phần thiếu hụt này có thể được bù đắp qua các kênh tín dụng, bán tài sản và huy động từ thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, dư nợ margin trên thị trường chứng khoán đang đạt mức cao kỷ lục với 223.000 tỉ đồng, trong khi thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp. Điều này đặt ra câu hỏi liệu phần lớn dư nợ tại các công ty chứng khoán có phải đến từ các giao dịch lớn của các cổ đông hoặc chủ doanh nghiệp lớn, thay vì nhà đầu tư cá nhân.

Một số ý kiến cho rằng các công ty chứng khoán, có liên hệ với các ngân hàng trong cùng hệ sinh thái, có thể vay chéo để hỗ trợ cổ đông lớn khi tiếp cận trực tiếp vốn ngân hàng gặp khó khăn. Về phía doanh nghiệp, áp lực đáo hạn trái phiếu cuối năm vẫn còn lớn.

Triển vọng tăng trưởng tín dụng và tỷ giá ổn định có thể tạo điều kiện thuận lợi cho TPDN phi ngân hàng trong những tháng cuối năm

 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings, cho rằng bức tranh vĩ mô cải thiện và việc mở rộng room tín dụng gần đây đã giúp doanh nghiệp cân đối dòng tiền tốt hơn. Triển vọng tăng trưởng tín dụng và tỷ giá ổn định có thể tạo điều kiện thuận lợi cho TPDN phi ngân hàng trong những tháng cuối năm.

Đặc biệt, những doanh nghiệp không thực hiện phòng vệ tỷ giá có thể hưởng lợi từ việc giảm lãi suất USD, tác động đến chi phí lãi suất vay (lãi suất thả nổi SOFR + biên độ). Tỷ giá thấp hơn cũng mở ra cơ hội cho doanh nghiệp vay vốn hoặc chào bán trái phiếu quốc tế trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Lý Thanh Lương, Trưởng nhóm Phân tích tại VIS Rating, nhận định rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Sau thời kỳ khủng hoảng về thanh khoản và tình trạng chậm trả gốc/lãi gia tăng từ tháng 9/2022 đến tháng 6/2023, tâm lý thị trường đã cải thiện nhờ các chính sách giải quyết nợ xấu. Từ tháng 3/2023, hơn 200 trái phiếu đã gia hạn ngày đáo hạn, chủ yếu kéo dài thêm khoảng 22 tháng, theo thỏa thuận với nhà đầu tư theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP.

Nhiều tổ chức phát hành với mức vay nợ cao và sức khỏe tài chính yếu, bao gồm các doanh nghiệp mới thành lập chưa có hoạt động kinh doanh cốt lõi và dòng tiền kinh doanh hạn chế, liên quan đến các dự án bất động sản, đã tránh được tình trạng chậm trả gốc/lãi nhờ Nghị định 08/2023/NĐ-CP.

Khi tỷ lệ chậm trả trái phiếu giảm và tỷ lệ thu hồi nợ chậm trả tăng, cả tổ chức phát hành lẫn nhà đầu tư đang dần lạc quan và chủ động thích ứng với những yêu cầu phát hành ngày càng chặt chẽ hơn.