Trẻ em háo hức lần đầu được làm thẻ căn cước

Trong ngày đầu Luật Căn cước có hiệu lực, nhiều trẻ em dưới 14 tuổi đã háo hức có mặt từ sớm tại các điểm cấp thẻ căn cước trên cả nước để chờ đợi được làm loại giấy tờ quan trọng này. Các em ngoan ngoãn xếp hàng, thực hiện đúng các thao tác mà cán bộ công an yêu cầu.

Ngày 1/7, Luật Căn cước 2023 chính thức có hiệu lực, đổi tên căn cước công dân thành thẻ Căn cước. Chứng minh nhân dân sẽ chỉ còn giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Căn cước công dân được cấp trước ngày 1/7/2024 tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trên thẻ.

Luật Căn cước 2023 mở rộng đối tượng được thu nhận hồ sơ, cấp căn cước cho công dân dưới 6 tuổi, từ 6 đến dưới 14 tuổi và từ 14 tuổi trở lên. Để cấp căn cước cho công dân dưới 6 tuổi, người đại diện hợp pháp của trẻ làm thủ tục thông qua Cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Cơ quan chức năng không thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học với trẻ dưới 6 tuổi.

Các em ngoan ngoan xếp hàng để làm thủ tục cấp thẻ căn cước (Ảnh: Anh Tấn)

Từ 7h sáng ngày 1/7, Công an TP. Hà Nội cùng công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn đã đồng loạt tổ chức tiếp nhận hồ sơ cấp căn cước, giấy chứng nhận căn cước cho công dân.

Tại điểm thu nhận hồ sơ của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP. Hà Nội (số 44 Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa), từ sáng sớm đã có khá đông người đến xếp hàng đợi làm thủ tục, trong đó có nhiều trẻ em dưới 14 tuổi. Lần đầu được đi làm thẻ căn cước, nhiều em tỏ ra thích thú, xếp hàng ngay ngắn chờ đến lượt.

Em Hà Thu Trang (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, lần đầu tiên được làm căn cước, em cảm thấy khá hồi hộp. Nhưng sau khi được cô chú công an nhiệt tình hướng dẫn, em thấy tự tin hơn rất nhiều nên mọi thủ tục diễn ra thuận tiện và nhanh gọn.

Còn chị Đinh Thị Anh Trâm (phường Phương Liên, Đống Đa) cũng dẫn 2 con nhỏ (8 tuổi và 11 tuổi) tới trụ sở PC06 làm căn cước mới. Chị Trâm cho hay, làm thẻ căn cước cho các con sẽ đem lại nhiều lợi ích, như đi máy bay sẽ không cần phải mang nhiều giấy tờ nữa. Chị được các cán bộ công an hỗ trợ nhiệt tình để hoàn thiện thủ tục cấp căn cước cho 2 con rất nhanh.

Trẻ được thu thập sinh trắc mống mắt (Ảnh: Anh Tấn)

Trung tá Nguyễn Thành Lâm (Trưởng phòng PC06 Công an thành phố Hà Nội) cho hay, Luật Căn cước 2023 thể hiện rõ tính khoa học, bao quát, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu về đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân. Đây là một trong những đột phá về xây dựng luật, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi thực hiện các giao dịch, nhất là trong quá trình đi lại của trẻ em từ dưới 14 tuổi.

Trong ngày đầu thực hiện luật mới, Công an TP. Hà Nội đã cấp tổng số 4.532 căn cước mới. Trong đó, 106 trường hợp là công dân từ 0 - 6 tuổi, 735 trường hợp là công dân từ 6 - 14 tuổi và 3.691 trường hợp công dân từ 14 tuổi trở lên.

Đại diện Công an TP. Hà Nội cho hay, ngoài điểm cấp căn cước tại trụ sở của PC06 và công an các quận, huyện, thị xã thì đơn vị cũng triển khai điểm thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước lưu động cho công dân Việt Nam ở nước ngoài về và tổ chức cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Trẻ háo hức vì lần đầu được đi làm thẻ căn cước (Ảnh: SGGPO)

Tại TP. HCM, hoạt động cấp căn cước cũng diễn ra sôi động. Tại trụ sở PC06 Công an TP. HCM, từ sáng đã có đông người dân, trong đó có nhiều phụ huynh đưa con em hay người lớn tuổi tới làm thủ tục. Chỉ trong gần 2 tiếng đồng hồ, hơn 100 người tới làm thủ tục nên Phòng PC06 phải ngừng cấp số thứ tự vì đơn vị chỉ có 1 máy quét thu thập mống mắt.

Ông Nguyễn Thanh An (ngụ quận Gò Vấp) cho hay, ông đưa con gái 10 tuổi đến làm thẻ căn cước. Gia đình ông thường đi du lịch nên làm thẻ căn cước cho con gái sẽ thuận lợi hơn khi di chuyển bằng máy bay. Thời điểm này, trẻ đang nghỉ hè nên đi làm thủ tục, con ông không cần phải nghỉ học.

Con gái ông An cũng rất háo hức khi được làm thẻ căn cước. Cô bé chia sẻ, em được các cô chú công an hướng dẫn rất nhiệt tình, cụ thể. Việc lấy mống mắt cũng rất nhanh, chưa tới 1 phút đã xong.

Đại diện PC06 Công an TP. HCM cho biết, khi đến làm hồ sơ, người dân lấy số thứ tự, sau đó được khai thác thông tin, lăn tay, lấy mống mắt, chụp ảnh và nhận giấy hẹn. Quá trình làm hồ sơ diễn ra chỉ khoảng 5 - 10 phút là xong.