Căn cước điện tử và thẻ căn cước có gì khác nhau?

Khi Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây, thẻ căn cước sẽ đồng hành song song cùng căn cước điện tử. Vậy 2 căn cước này có điểm gì khác nhau? Căn cước điện tử có thể dùng thay thế thẻ căn cước thông thường không?

can-cuoc-dien-tu-1-1710114918.jpg

Khi  Luật Căn cước có hiệu lực, thẻ căn cước sẽ đồng hành song song cùng căn cước điện tử

Năm ngoái, khi đi làm lại thẻ căn cước công dân gắn chip, anh Nguyễn Văn Nam (37 tuổi, quê Thái Bình) đã đề nghị tích hợp nhiều loại giấy tờ cá nhân vào luôn mã định danh điện tử của mình. Đợt vừa rồi, anh có chuyến công tác phải bay vào TP. HCM. Khi tới sân bay, anh đã dùng mã định danh này để làm các thủ tục lên máy bay mà không cần tới thẻ căn cước công dân.

Thời gian qua, cũng có rất nhiều người giống anh Nam tích hợp các loại giấy tờ cá nhân vào mã định danh điện tử. Điều này mang lại nhiều thuận tiện khi thực hiện các dịch vụ công nên ngày càng có nhiều người áp dụng. Từ đó, không ít người băn khoăn khi Luật Căn cước có hiệu lực, mã định danh điện tử cũng được coi như căn cước rồi thì có nhất thiết phải đi làm thêm 1 tấm thẻ căn cước thông thường?

Luật Căn cước quy định căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập. Mỗi công dân Việt Nam sẽ được cấp một căn cước điện tử.

Trong căn cước điện tử sẽ có các thông tin như nơi đăng ký khai sinh, quê quán, thông tin nhân dạng, dân tộc, quốc tịch, tôn giáo, nhóm máu, số CMND 9 số, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại, nghề nghiệp…

Ngoài ra, nếu công dân đề nghị thì các thông tin như thẻ BHYT, sổ BHXH, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, giấy phép lái xe… cũng sẽ được tích hợp vào căn cước điện tử. Những thông tin này phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

can-cuoc-dien-tu-1710114918.jpg

Thiết bị đọc căn cước công dân gắn chip tại sân bay

Điều 33, Luật Căn cước nêu rõ giá trị sử dụng của căn cước điện tử: Chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các hoạt động và giao dịch khác theo nhu cầu của công dân.

Quá trình người dân giải quyết các thủ tục hành chính, dịch vụ công hay các giao dịch và hoạt động khác mà phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin trong căn cước điện tử với thông tin in trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.

Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp căn cước điện tử.

Luật Căn cước quy định căn cước điện tử bị khóa khi: Người được cấp căn cước điện tử yêu cầu khóa, người được cấp căn cước điện tử bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước, người được cấp căn cước điện tử vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia, có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền, người được cấp căn cước điện tử chết.

Căn cước điện tử được mở khóa khi người được cấp căn cước điện tử đã yêu cầu khóa trước đó; người được cấp căn cước điện tử đã khắc phục những vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia, người được cấp căn cước điện tử đã được trả lại thẻ căn cước, cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền yêu cầu mở khóa.

Trường hợp người dân bị khóa căn cước điện tử theo quy định, cơ quan quản lý phải thông báo ngay cho người bị khóa. Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền khóa, mở khóa căn cước điện tử.