Hôm 13/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) nói với đài CNN tại một cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh: "Mặc dù chưa tìm thấy bằng chứng về cách TikTok gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của mình nhưng Mỹ chưa bao giờ ngừng nhắm mục tiêu vào TikTok".
Ông Uông cũng cáo buộc Mỹ "dùng hành vi bắt nạt khi không thể cạnh tranh công bằng". Điều đó, theo ông Uông, sẽ "phá vỡ các hoạt động thị trường, làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư và phá hoại trật tự kinh tế toàn cầu", cuối cùng "quay ngược lại ảnh hưởng lên Mỹ".
Các quan chức và nghị sĩ Mỹ từ lâu bày tỏ lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc có thể buộc ByeDance, công ty mẹ của TikTok, cung cấp dữ liệu thu thập được từ người dùng Mỹ. Họ sợ ứng dụng có thể trở thành công cụ tuyên truyền, phổ biến thông tin sai lệch hoặc ảnh hưởng đến người Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh mạng nói rằng các mối lo ngại về an ninh quốc gia xoay quanh TikTok vẫn là một giả thuyết.
Hôm 13/3, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật đòi hỏi ByteDance (công ty mẹ của TikTok tại Trung Quốc) từ bỏ quyền sở hữu TikTok trong vòng 6 tháng, nếu không TikTok sẽ bị cấm vĩnh viễn tại Mỹ.
Dự luật sẽ được gửi lên Thượng viện Mỹ để xem xét. Các nhân vật chủ chốt của Thượng viện Mỹ đang ủng hộ cách tiếp cận khác đối với TikTok thay vì cấm ứng dụng có khoảng 170 triệu người Mỹ đang sử dụng.
Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Gallagher cho hay dự luật "không phải là lệnh cấm TikTok", thay vào đó cho TikTok lựa chọn cắt đứt liên hệ với chính quyền Bắc Kinh. Trung Quốc trước đây tuyên bố sẽ phản đối bất kỳ đề nghị bán TikTok bắt buộc nào.
"Việc bán hoặc thoái vốn của TikTok liên quan đến xuất khẩu công nghệ. Các thủ tục cấp phép phải được thực hiện theo luật pháp và quy định của Trung Quốc" - người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nói hồi tháng 3 năm ngoái.