Vụ cháy quán cà phê làm 11 người chết: Mối nguy từ những ngôi nhà không lối thoát hiểm

Liên tiếp các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra khiến dư luận đặt ra về việc kém hiệu quả trong công tác phòng cháy chữa cháy. Điểm chung đáng chú ý trong các vụ cháy này đều không có lối thoát hiểm, lối vào chật hẹp và không được trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy đảm bảo đúng quy định.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã gửi văn bản hỏa tốc đến UBND các tỉnh, thành phố, yêu cầu tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với các công trình và nhà ở, đặc biệt là những công trình kết hợp giữa nhà ở và sản xuất, kinh doanh.

Động thái này được đưa ra sau vụ cháy nghiêm trọng tại số 258 Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), khiến dư luận không khỏi lo ngại về an toàn cháy nổ tại những công trình kết hợp nhiều chức năng, đặc biệt là nhà ở kết hợp kinh doanh.

Siết yêu cầu đối với mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh

Theo đó, Bộ Xây dựng yêu cầu tăng cường các biện pháp PCCC đối với những công trình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, và các công trình kết hợp với sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến các quy định pháp luật về trật tự xây dựng, an toàn xây dựng và PCCC tại các công trình, cơ sở và địa điểm tập trung đông người.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về quy hoạch xây dựng, cấp giấy phép xây dựng, chất lượng công trình và trật tự xây dựng. Cùng với đó, Bộ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố phải chú ý quản lý việc chuyển đổi công năng sử dụng của công trình hoặc một phần công trình phù hợp với các quy định của pháp luật về xây dựng và các pháp luật liên quan.

Ngoài ra, Bộ yêu cầu kiểm soát việc tuân thủ các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, cũng như các quy định của pháp luật về PCCC đối với các công trình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Song song với đó, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng và phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Vụ cháy nghiêm trọng tại số 258 Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), khiến dư luận không khỏi lo ngại về an toàn cháy nổ tại những công trình kết hợp nhiều chức năng, đặc biệt là nhà ở kết hợp kinh doanh

Tương tự, ngày 20/12, tại cuộc họp báo về Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ năm 2024, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an, đã chỉ ra tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các khu đô thị đông dân cư, nơi xuất hiện nhiều loại hình cơ sở kết hợp nhà ở và sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, ông Lâm nhấn mạnh, loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, đặc biệt khi các công trình này không được xây dựng và quản lý đúng cách. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về PCCC là cần thiết để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC.

Trong Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ mới ban hành, các quy định về nhà ở kết hợp kinh doanh đã được rà soát và bổ sung nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy nổ. Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), cho biết loại hình này cần tuân thủ các quy định ngặt nghèo hơn so với nhà ở thông thường.

Cụ thể, khu vực sản xuất kinh doanh phải có vách ngăn với khu vực nhà ở, và đối với các loại hình kinh doanh có mức độ nguy hiểm cao về cháy nổ, yêu cầu vách ngăn, lối thoát nạn và các phương tiện báo cháy, thông gió sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe hơn. Ngoài ra, một điểm mới trong luật là các công trình này phải lắp đặt hệ thống báo cháy kết nối trực tiếp với trung tâm xử lý sự cố cháy nổ của thành phố, giúp kịp thời phát hiện và xử lý khi có sự cố xảy ra.

Những ngôi nhà tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ

Tại Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước, các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng tiếp tục xảy ra. Một điểm chung đáng chú ý là nhiều ngôi nhà, căn hộ không có lối thoát hiểm, khiến người dân gặp nguy hiểm trong trường hợp xảy ra sự cố. Những ngôi nhà được xây dựng bằng khung sắt thép kiên cố, kín mít và không có cửa thoát hiểm, thường được gọi là “chuồng cọp,” ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt ở các đô thị lớn.

Những "chuồng cọp" này không chỉ giúp bảo vệ tài sản, phòng chống trộm cắp mà còn được xây dựng để mở rộng diện tích sử dụng. Tình trạng này rất phổ biến tại các chung cư và tập thể cũ, nơi mà các gia đình phải chấp nhận sống trong điều kiện thiếu an toàn vì lý do kinh tế.

Bên cạnh đó, nhà ở kết hợp với kinh doanh cũng là loại hình nhà ở phổ biến tại các thành phố lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ do không đảm bảo các yếu tố an toàn phòng cháy chữa cháy. Ông Vũ Đăng Quang, cư dân phường Định Công, quận Hoàng Mai, chia sẻ: “Mình không có đủ điều kiện nên chỉ có ở được như thế này thôi. Nhà nước làm gắt thế thì một là ở, hai là kinh doanh. Mà nhiều gia đình chứ không cứ gì nhà tôi.”

Một điểm chung đáng chú ý là nhiều ngôi nhà, căn hộ không có lối thoát hiểm, khiến người dân gặp nguy hiểm trong trường hợp xảy ra sự cố

Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội vừa qua, nhiều ý kiến đã được đưa ra về Dự thảo Luật phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, đặc biệt liên quan đến nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (tỉnh Thừa Thiên Huế) nhấn mạnh: “Cơ quan chuyên ngành cần kiểm tra, rà soát chặt chẽ, hướng dẫn các gia đình kết hợp nhà ở và kinh doanh thực hiện đúng tiêu chuẩn xây dựng, nhất là đối với các khu vực đông dân cư, có điều kiện địa lý không thuận lợi.”

Mặc dù Luật phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn đã được Quốc hội thông qua, nhưng thực tế, nhiều quy định vẫn chưa được cơ quan chức năng chú trọng, đặc biệt là việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng khi người dân tự ý làm “chuồng cọp” và dựng lồng sắt. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều khu đô thị lớn vẫn còn tồn tại những hình ảnh nhếch nhác và không đảm bảo an toàn.

Theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội, đến năm 2030, tất cả các nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh sẽ được trang bị lối thoát nạn thứ hai, đồng thời yêu cầu chủ hộ xây dựng phương án thoát hiểm phù hợp với từng loại công trình.