Hà Nội công bố bảng giá đất điều chỉnh cao nhất gần 700 triệu/m2 và cách giải quyết thuế, phí tăng

Việc tăng bảng giá đất so với trước đây đã tạo ra những lo ngại về sự gia tăng các loại chi phí tài chính liên quan. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội cho rằng, nếu có tình trạng trên xảy ra sẽ đề xuất giải pháp điều chỉnh tỷ suất tính thuế và phí, thay vì điều chỉnh giảm bảng giá.

Ngày 20/12, UBND TP Hà Nội đã công bố bảng giá đất mới có hiệu lực ngay, kéo dài đến hết năm 2025. Theo bảng giá này, mức giá đất ở cao nhất đạt hơn 695,3 triệu đồng/m², áp dụng cho các thửa đất giáp mặt đường tại một số tuyến thuộc quận Hoàn Kiếm, như Bà Triệu (đoạn Hàng Khay - Trần Hưng Đạo), Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng (đoạn Lê Thánh Tông - Quán Sứ), cùng các tuyến Hàng Đào, Hàng Khay, Hàng Ngang, Lê Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Nhà Thờ và Trần Hưng Đạo (đoạn Trần Thánh Tông - Lê Duẩn).

Tăng giá đất sát với thị trường

So với bảng giá năm 2019, mức giá này tăng gấp gần 3,7 lần khi trước đó, giá cao nhất là gần 188 triệu đồng/m² tại các tuyến đường Hàng Ngang và Hàng Đào. Mức giá cao nhất tại Hà Nội hiện nay cũng vượt qua TP HCM, nơi giá đất ở cao nhất thuộc các tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1) với 687,2 triệu đồng/m².

Tại các quận trung tâm khác ở Hà Nội, giá đất cũng có sự điều chỉnh đáng kể. Ở quận Ba Đình, đường Phan Đình Phùng đạt mức giá cao nhất là hơn 450 triệu đồng/m², gấp 3,4 lần so với trước. Một số tuyến như Trần Phú, Độc Lập cũng đạt trên 400 triệu đồng/m². Tại quận Hai Bà Trưng, các tuyến Nguyễn Du (đoạn Quang Trung - Trần Bình Trọng) và Phố Huế (đoạn Nguyễn Du - Nguyễn Công Trứ) ghi nhận mức giá trên 368 triệu đồng/m², gấp gần 3,5 lần bảng giá cũ. Ở quận Tây Hồ, đường Văn Cao có giá cao nhất là hơn 256 triệu đồng/m², tăng gần 3,3 lần so với trước.

bang-gia-dat-ha-noi-1734756749.jpg
UBND TP Hà Nội đã công bố bảng giá đất mới có hiệu lực ngay, kéo dài đến hết năm 2025

Không chỉ đất ở, giá đất thương mại dịch vụ tại các tuyến phố trung tâm như Hàng Khay, Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ... cũng tăng 50-100%, đạt mức cao nhất trên 244 triệu đồng/m². Đất nông nghiệp, bao gồm đất trồng lúa, cây hàng năm, cây lâu năm, và nuôi trồng thủy sản, tăng khoảng 15%, với giá cao nhất đạt 290.000 đồng/m².

Các điều chỉnh trong bảng giá đất mới được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát giá chuyển nhượng thực tế trong hai năm qua do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Theo đó, hơn 20.740 phiếu khảo sát đã được thu thập từ 30 quận, huyện và 579 xã, phường, thị trấn, phản ánh rõ biến động thị trường.

Đối với đất ở đô thị, giá giao dịch thực tế tại các quận dao động từ 35-650 triệu đồng/m². Riêng tại quận Hoàn Kiếm, giá đất ở mặt đường như phố Hàng Thiếc đạt từ 642 triệu đến 1 tỷ đồng/m², phố Hàng Bông dao động từ 750 triệu đến 1,03 tỷ đồng/m², trong khi phố Hàng Gai thậm chí lên tới 969 triệu - 1,2 tỷ đồng/m². Ngoài các quận trung tâm, giá đất tại các huyện ven đô như đường 32 ở thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức) hay đường Ngô Xuân Quảng tại thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) cũng ghi nhận mức 100-120 triệu đồng/m².

Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá, giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường thường cao hơn bảng giá đất trung bình khoảng 250%. Bảng giá đất không chỉ là căn cứ để xác định thuế, phí và bồi thường mà còn được dùng để tính giá khởi điểm trong đấu giá quyền sử dụng đất. Theo đó, việc điều chỉnh bảng giá đất là cần thiết nhằm phản ánh đúng giá trị thị trường và đảm bảo nguồn thu ổn định từ hoạt động đấu giá đất.

Có thể điều chỉnh tỷ suất tính thuế để giảm gánh nặng chi phí

Việc điều chỉnh bảng giá đất lên mức cao hơn so với trước đây đã dấy lên lo ngại về việc tăng thuế và phí liên quan đến đất đai. Điều này đồng nghĩa với việc các hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính lớn hơn so với trước.

Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, bảng giá mới giúp thu hẹp khoảng cách giữa giá đất niêm yết và giá thị trường, tạo sự minh bạch và công bằng trong quản lý đất đai. Việc này không chỉ đồng bộ hóa chính sách mà còn cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư thực hiện dự án. Nhờ đó, ngân sách Nhà nước có thể tăng thông qua nghĩa vụ tài chính từ cả người dân và doanh nghiệp.

Nếu mức thuế và phí trở nên quá cao so với thu nhập của người dân, Sở cho rằng giải pháp cần thiết là điều chỉnh tỷ suất tính thuế và phí, thay vì giảm giá đất trong bảng giá. Đồng thời, Sở khẳng định bảng giá mới không ảnh hưởng tiêu cực đến việc bồi thường và hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất. Ngược lại, nó được kỳ vọng góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế của Thủ đô.

bang-gia-dat-nong-nghiep-1734756864.jpg
Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá, giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường thường cao hơn bảng giá đất trung bình khoảng 250%

Việc nâng bảng giá cũng đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người dân bị thu hồi đất, tạo động lực để họ hợp tác với chính sách giải phóng mặt bằng, từ đó hỗ trợ quá trình triển khai các dự án lớn của thành phố một cách hiệu quả.

Bảng giá đất chính thức được áp dụng trong bối cảnh, dư luận bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình trạng "thổi" giá đất đấu giá tại một số huyện ngoại thành Hà Nội như Hoài Đức, Quốc Oai và gần đây nhất là Sóc Sơn, với mức giá lên đến 30 tỷ đồng/m².

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Dương Đức Tuấn thừa nhận, thành phố hiện đang gặp khó khăn do chưa có bảng giá đất mới theo quy định của Luật Đất đai 2024, trong khi TP.HCM đã hoàn thành nhiệm vụ tương tự.

Việc thiếu bảng giá đất mới đã ảnh hưởng đến nhiều công tác quan trọng như giải phóng mặt bằng các dự án, xác định giá sàn đấu giá quyền sử dụng đất, dẫn đến sự hỗn loạn trong giá cả và nhiều phiên đấu giá bị thất bại, như ở huyện Thanh Oai và Sóc Sơn.  Theo đó, tình trạng này có thể khiến các huyện không hoàn thành chỉ tiêu đấu giá quyền sử dụng đất, ảnh hưởng đến thu tiền sử dụng đất, chỉ tiêu chi đầu tư phát triển và giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản.