Ảnh hưởng bão gây sập cầu
Sáng ngày 9/9, cầu Phong Châu nằm trên quốc lộ 32C, nối liền 2 huyện Lâm Thao và Tam Nông (Phú Thọ) bất ngờ bị sập. Theo cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ, xác định có 8 phương tiện gặp nạn gồm 1 xe ô tô con, 1 xe ô tô tải, 5 xe máy, 1 xe đạp điện. Hiện đã cứu được 5 người, đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế.
Về nguyên nhân sập cầu, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ vừa có báo cáo. Theo đó, bão Yagi đã gây ra mưa lũ khiến nước sông Hồng dâng cao. Lưu tốc dòng chảy xiết đã làm thay đổi địa hình lòng sông, kéo đổ trụ T7 và làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu Phong Châu (nhịp 6 và 7) lúc 10h02 ngày 9/9.
Cầu Phong Châu được xây dựng bằng thép và bê tông cốt thép, đưa vào khai thác năm 1995. Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ khẳng định, cầu Phong Châu đã qua nhiều đợt sửa chữa. Năm 2013, cầu Phong Châu từng được thay 4 dầm bê tông thường bằng 4 dầm bê tông cốt thép dự ứng lực, thay bu lông cường độ cao bị đứt gãy, thảm lại mặt cầu, thay khe co giãn, dán sợi thủy tinh và sợi carbon gia cường...
Năm 2019, cầu được gia cố trụ, xử lý xói lở. Riêng trụ T7 (trụ cầu vừa đổ sập trong sự cố) được tăng cường 8 cọc khoan nhồi bê tông cốt thép; mở rộng bệ trụ bằng bê tông cốt thép; gia cường khả năng chống va xô bằng biện pháp nối cứng hai thân trụ. Năm 2023, cầu tiếp tục được kiểm định, sửa chữa nhỏ gồm tẩy gỉ, thay khe co giãn, sơn lại lan can...
Ngay sau khi sự cố xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo huy động các lực lượng chức năng triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp để cứu người, ứng phó, khắc phục sự cố. Nhưng do nước lũ dâng cao, chảy xiết nên việc triển khai các biện pháp tìm kiếm cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn, chưa xác định cụ thể về số người bị mất tích. Lực lượng chức năng cũng đã cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, phân luồng giao thông và đảm bảo an ninh trật tự.
Hướng dẫn phương tiện di chuyển
Trước hiện trạng cầu Phong Châu bị sập, nhằm đảm bảo người dân lưu thông thuận lợi, Công an tỉnh Phú Thọ đã đưa ra các tuyến đường di chuyển để thay thế tuyến qua cầu Phong Châu.
Cụ thể, tuyến thứ nhất: Các phương tiện qua huyện Tam Nông để đi Lâm Thao, Việt Trì di chuyển theo QL32 (Tam Nông) → đi đường Hồ Chí Minh → qua cầu Ngọc Tháp hoặc qua QL2 → đi Lâm Thao, Việt Trì. Hoặc QL32 (Tam Nông) → đi cầu Trung Hà → đi Hà Nội → đi cầu Văn Lang → đi Việt Trì, Lâm Thao. Các phương tiện qua huyện Lâm Thao đi Tam Nông theo chiều ngược lại.
Tuyến thứ hai: Các phương tiện qua huyện Tam Nông để đi Hà Nội, Vĩnh Phúc di chuyển theo QL32 (Tam Nông) → đi cầu Trung Hà hoặc đi cầu Đồng Quang → đi Hà Nội, Vĩnh Phúc Hoặc theo tuyến QL2 và cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Hà Nội, Vĩnh Phúc.
Hoặc phương tiện di chuyển theo QL32 (Tam Nông) → đi cầu Trung Hà/cầu Đồng Quang → đi Hà Nội, Vĩnh Phúc; hoặc đi theo tuyến QL2 và cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Lời kể ám ảnh của các nạn nhân
Để tìm kiếm các nạn nhân, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Thọ đã điều 3 xuồng cao tốc và hơn 200 cán bộ, chiến sĩ tới khu vực hạ lưu cầu Phong Châu. Quân khu 2 đã điều động 330 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 316 tìm kiếm nạn nhân tại tỉnh Yên Bái.
Anh Bùi Quý Trọng (32 tuổi) - người thoát nạn trong vụ sập cầu, vẫn còn kinh hãi. Anh chia sẻ, anh đi trên cầu còn khoảng 5m nữa là đến đoạn cuối thì bỗng thấy cầu rung. Anh ngoảnh lại nhìn, thấy cầu sập một đoạn. Không có chỗ bám víu, anh và người bạn đi cùng xe máy rơi tự do xuống. Từ trên cầu rơi xuống chừng 2-3 m, anh cùng bạn may mắn mắc lại thành cầu, cách dòng nước 4 - 5 m rồi rơi xuống trụ (mố) cầu, sau đó được người ở trên bờ kéo lên.
Còn anh Nguyễn Tuấn Hùng kể, anh lái ô tô chở vợ đi qua cầu hướng từ Lâm Thao sang Tam Nông. Anh vừa chạy qua cầu vài trăm mét thì cầu sập. Lúc đó vợ chồng anh toát mồ hôi lạnh.
Anh Hùng cho biết, thời điểm cầu bị sập, các xe vẫn di chuyển qua cầu bình thường. Trải qua sự việc này, anh thấy bản thân vô cùng may mắn vì nếu di chuyển vào đúng thời điểm cầu sập thì không biết chuyện gì xảy ra.
Để công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ đạt hiệu quả cao, Công an tỉnh Phú Thọ thông báo rộng rãi đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và quần chúng nhân dân biết, phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến người, phương tiện bị nạn và các thông tin khác có liên quan đến vụ việc trên.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã thành lập Tổ tiếp nhận thông tin khẩn cấp 24h/24h tại 3 địa chỉ sau:
Thứ nhất, Công ty quản lý đường bộ tỉnh phú Thọ - số 115, khu 22, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Số điện thoại cán bộ tiếp nhận: 0913.282.825 (Trung tá Trần Phương).
Thứ hai, Trạm xăng dầu Công ty TNHH Huy Hoàng - khu 5, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Số điện thoại cán bộ tiếp nhận: 0989.246.129 (Đại úy Nguyễn Mạnh Hưng).
Thứ ba, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ - số 216 đường Trần Phú, phường Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Số điện thoại cán bộ tiếp nhận: 0919.333.689 (đồng chí Thiếu tá Nguyễn Xuân Kha).