Bất động sản TP.HCM khó “rã băng” trong năm 2023

6 tháng đầu năm 2023, tình hinh kinh doanh bất động sản trên địa bàn TP.HCM vẫn chìm trong bế tắc, nhiều công ty địa ốc phải chật vật cầm cự.

Liên tục tăng trưởng âm

Theo báo cáo mới công bố của Sở Xây dựng TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn thành phố tăng trưởng âm (giảm 11,58%) so với cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh này cũng giảm 8,3% so với cùng kỳ.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ còn ít hơn một nửa so với cùng kỳ, còn 689 công ty. Vốn đăng ký doanh nghiệp cũng giảm 64%, còn 26.750 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh khó khăn đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản có nguy cơ phá sản khi doanh thu bằng không, còn các khoản vay nợ ngày càng phình to.

Lãnh đạo một công ty bất động sản có trụ sở ở quận Bình Thạnh cho biết, gần một năm qua, doanh thu của công ty gần như bằng không, nợ nần hàng tháng cứ tăng dần. Khó khăn chồng chất khiến ông đã phải bán tài sản cá nhân để giúp duy trì hoạt động của công ty.

“Công ty tôi vẫn đang cố gắng cầm cự để qua giai đoạn khó khăn nhưng tình hình thì không khả quan cho lắm. Hiện tại, công ty vẫn đang nợ lương nhân viên 3 quý liền và chưa biết xoay sở như thế nào để tồn tại trong thời gian tới”, vị giám đốc này chia sẻ.

Bất động sản TP.HCM tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: VnExpress

Cùng chung cảnh ngộ, giám đốc kinh doanh của một doanh nghiệp bất động sản ở quận 3, TP.HCM cho biết, bắt đầu từ cuối năm 2022 đến nay, công ty của ông không bán được hàng dù đã giảm giá, bán cắt lỗ nhiều sản phẩm. Doanh thu không có, trong khi các khoản vay nợ để kinh doanh sắp đến thời gian đáo hạn khiến ông phải đích thân đi vay nợ, xin khất nợ suốt ngày.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, sức mua trên thị trường bất động sản của thành phố rất yếu, các doanh nghiệp địa ốc tiếp tục bị thiếu hụt dòng tiền kinh doanh, bị sụt giảm thanh khoản, thậm chí bị mất thanh khoản. Đa số các doanh nghiệp địa ốc cũng đang bị nghẽn các nguồn vốn đến từ trái phiếu doanh nghiệp và huy động từ khách hàng.

Mặc dù đà giảm tăng trưởng kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản đang có dấu hiệu chậm lại nhưng chưa đủ để lạc quan. Nếu kéo dài, tình trạng kinh doanh khó khăn của các doanh nghiệp không chỉ là tin xấu cho ngành địa ốc mà còn ảnh hưởng đến đà hồi phục kinh tế của thành phố.

Khó “rã băng” trong năm nay

Đứng trước những khó khăn của thị trường bất động sản, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, thành lập các tổ công tác để “giải cứu”. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh hiện tại của các doanh nghiệp vẫn không có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo ông Ngô Quang Phúc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nguyên nhân khiến thị trường bất động sản tăng trưởng âm là do gặp vướng mắc về pháp lý. Hiện nay, một dự án muốn hoàn thiện pháp lý cũng phải mất 2-3 năm. Trong khi đó, thị trường địa ốc muốn tăng trưởng “dương” cần phải có sản phẩm hoàn thiện pháp lý, đủ điều kiện để bán ra ngoài thị trường.

Theo ông Phúc, để thị trường bất động sản tăng trưởng dương trở lại thì thủ tục, pháp lý bất động sản phải được rút ngắn, thông thoáng và chính quyền phải hỗ trợ doanh nghiệp để đưa thêm các sản phẩm mới ra thị trường. Những thủ tục pháp lý nào không cần thiết có thể cắt bỏ để tiết kiệm thời gian, từ đó giúp giảm chi phí, hạ giá thành.

Vướng mắc pháp lý khiến tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Báo Thanh Niên

Còn theo ông Nguyễn Duy Thanh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Phúc Hưng chia sẻ tại Talkshow “Tan băng bất động sản”, thị trường bất động sản tăng trưởng hay không còn phụ thuộc vào các chuyển biến hạ lãi suất điều hành, gỡ khó pháp lý, lãi suất cho vay, Chính phủ quyết liệt hơn trong giải ngân đầu tư công.

Theo ông Thanh, muốn phá băng cho thị trường bất động sản cần phải giải quyết vấn đề tâm lý cho khách hàng. Suốt từ năm 2022 đến nửa đầu năm 2023, người mua bất động sản đã chịu nhiều cú sốc: sản phẩm vướng pháp lý, chủ đầu tư hủy bỏ cam kết ưu đãi, đẩy người mua nhà vào thế khó. Chính điều này đã làm niềm tin của người mua bất động sản bị khủng hoảng trầm trọng nên cần phải tháo gỡ rào cản này.

Bên cạnh đó, để phá băng bất động sản cần điều chỉnh lãi suất cho vay cố định khoảng 8% để hỗ trợ người mua nhà để ở, nhanh chóng gỡ vướng pháp lý cho các dự án bất động sản, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản.

Giới chuyên gia cho rằng, cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn quá sớm để kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ tan băng, các tín hiệu tích cực vẫn còn khá cục bộ. Tuy nhiên, từ quý IV năm nay trở đi, nếu các yếu tố hỗ trợ thị trường xuất hiện đầy đủ, với tần suất dày đặc thì thị trường bất động sản có thể rã băng từng chút một.