Thấy gì từ việc nợ vay của doanh nghiệp bất động sản liên tục “phình to”?

Tại thời điểm cuối quý II, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều có xu hướng tăng vay nợ so với đầu năm. Tổng nợ vay của 116 đơn vị đã công bố báo cáo tài chính ghi nhận 491.000 tỉ đồng, tương đương gần 20 tỉ USD.

Nợ vay tiếp tục “phình to”

Con số nợ này ghi nhận tăng 7% so với đầu năm, nhưng tăng tới gần 60% so với đầu năm 2020. Trong tổng số nợ này, chỉ tính riêng 4 “ông lớn” đã chiếm tới 76%. Theo đó, Tập đoàn Vingroup ghi nhận 222.400 tỉ đồng; tiếp đến là Vinhomes với hơn 70.500 tỉ đồng, Novaland hơn 59.200 tỉ đồng và Becamex gần 21.300 tỉ đồng.

Trong nhóm 20 doanh nghiệp có dư nợ cho vay cao nhất thị trường, có tới 13 cái tên tăng nợ vay sau nửa đầu năm. Đơn cử, Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG ghi nhận nợ vay tăng 81% lên 3.043 tỉ đồng, chiếm 13% tổng tài sản.

no-vay-bds-1725410272.jpg

Các doanh nghiệp bất động sản đang vay ngân hàng gần 20 tỉ USD

Nguyên nhân do công ty phát sinh thêm khoản vay dài hạn 780 tỉ đồng tại Vietcombank hơn 780 ngày 28/6, kỳ hạn 7 năm, nhằm chi trả bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phước Đông Bời Lời (giai đoạn 3) và gần 600 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn tại các ngân hàng khác.

Tương tự, nợ vay của Công ty CP Nhà Khang Điền cũng tăng 22% lên 7.740 tỉ đồng, chiếm 27% tổng tài sản. Công ty gia tăng nợ vay dài hạn từ hơn 4.900 tỉ đồng hồi đầu năm lên 6.070 tỉ đồng để tài trợ cho các dự án khu nhà ở Bình Trưng Đông, khu trung tâm dân cư Tân Tạo - khu A và khu nhà ở Bình Hưng 11A.

Đáng chú ý nhất là “ông trùm” nhà ở xã hội, tại thời điểm 30/6/2024, Công ty CP Tư vấn-Thương mại-Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân có khoản nợ vay ghi nhận 1.370 tỉ đồng, tăng gấp 22 lần so với đầu năm, chiếm 13% tổng tài sản. Nguyên nhân của mức tăng “khủng” này do công ty mua cổ phần và hợp nhất báo cáo tài chính của Công ty CP Đầu tư Thành phố Vàng.

Tương tự, Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp), Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt, Công ty CP Đầu tư Văn Phú – Invest…cũng ghi nhận dư nợ vay tăng trưởng 2 chữ số so với đầu năm, trung bình hơn 35%.

Rủi ro phát sinh khi vay nợ quá nhiều

Theo chuyên gia của Công ty Chứng khoán VPBanks, bất động sản là lĩnh vực hấp dẫn với hoạt động cho vay ngân hàng do nhu cầu cao và ổn định, cùng với tài sản thế chấp mạnh. Tuy nhiên, tăng trưởng cho vay trong lĩnh vực này có thể không bền vững, gây ra rủi ro khi giá trị tài sản giảm.

Chưa kể, các khoản vay bất động sản dài hạn, có thể ràng buộc vốn và hạn chế khả năng theo đuổi cơ hội sinh lời của ngân hàng. Trong khi đó, rủi ro có thể phát sinh với doanh nghiệp khi vay nợ quá nhiều, bởi lãi suất cho vay lĩnh vực bất động sản sẽ cao hơn mặt bằng chung nên chi phí lãi vay có thể “bào mòn” lợi nhuận, trong điều kiện kinh doanh kém thuận lợi.

vay-no-1725410306.jpg

Rủi ro nợ xấu phát sinh khi vay nợ quá nhiều

Đáng chú ý, khi nợ vay chiếm quá lớn so với nguồn vốn chủ sở hữu, không chỉ doanh nghiệp mà "chủ nợ" cũng sẽ lo nơm nớp. Kiểm toán cũng thường nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục một doanh nghiệp, khi đơn vị này lâm vào tình trạng nợ phải trả lớn hơn tài sản.

Báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) cho biết, diễn biến thị trường bất động sản cho thấy dấu hiệu phục hồi và sẽ xoay chiều vào cuối 2024, đầu năm 2025 sau khi giải quyết được tình trạng “đóng băng của trái phiếu và Luật Đất đai có hiệu lực. Tuy nhiên, niềm tin của các nhà đầu tư vẫn ở mức thấp, khi giao dịch hiện nay mới chỉ đạt 20% bình quân giao dịch các năm trước đại dịch, khiến các doanh nghiệp đối mặt với rủi ro tài chính vì nợ xấu.

Đưa ra góc nhìn khác, một chuyên gia cho rằng, áp lực “chạy KPI” để tăng trưởng tín dụng đạt 14% cả năm nay đang rất lớn đối với ngân hàng. Điều này dễ khiến các ngân hàng “dễ dãi” hơn trong việc giải ngân vào mua bán bất động sản đầu cơ, tăng thêm nguy cơ “bong bóng” trong bối cải lãi suất thấp.