Cuối năm 2022, chị Lê Anh (ở quận 1, TP.HCM) có vay mua nhà tại một ngân hàng. Theo chị Anh, lãi suất thời điểm đó lên tới 15,4%/năm. Sau hơn 1 năm, lãi suất cho vay trên thị trường giảm mạnh nhưng chị vẫn phải trả lãi tới 14,9%/năm. Vì vậy, đến cuối năm 2023, người phụ nữ này quyết định liên hệ với ngân hàng để làm thủ tục trả nợ trước hạn.
Chị Anh phản ánh, suốt 3 tháng liên hệ với cán bộ nhà băng nhưng chị liên tục bị khất lần và được trả lời dời ngày thanh toán vào thời gian khác. Sang đầu tháng 4, sau khi đã hoàn tất mọi thủ tục, đóng phí phạt trả nợ trước hạn, chị Anh nhận được thông báo chờ duyệt của cán bộ tín dụng. Đến khi đòi liên hệ trực tiếp với hội sở, chi nhánh ngân hàng thì người này mới được xử lý tất toán khoản vay.
Tương tự, chị Nguyệt Thu vay 2 tỷ đồng của một ngân hàng ở TP.HCM trong thời hạn 15 năm. Tuy nhiên, do công việc làm ăn thuận lợi đã gom đủ tiền nên chị Thu muốn tất toán khoản nợ này. Mặc dù chấp nhận nộp phạt và các khoản phí phát sinh, nhưng ngân hàng cứ hẹn hết lần này đến lần khác để kéo dài thời gian tính lãi.
Về việc này, TS Châu Đình Linh - chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, nguyên nhân khiến các nhà băng trì hoãn khi có khách trả nợ sớm, là do việc này sẽ ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh, dư nợ cho vay trung dài hạn của họ.
Trường hợp này, ngân hàng phải tìm kiếm khách hàng mới để cho vay, tránh ảnh hưởng tới doanh thu, lợi nhuận. Tuy nhiên, với khách hàng vay mới, lãi suất sẽ thấp hơn khách cũ nên việc nhà băng không muốn khách trả nợ trước hạn là điều dễ hiểu.
Cũng theo vị chuyên gia, việc đẩy mạnh cho vay trả nợ nhà băng khác với lãi suất ưu đãi trong thời gian gần đây đã làm tăng sự cạnh tranh giữa các ngân hàng trong cho vay mua nhà. Khi khách hàng tất toán khoản vay, ngân hàng không chỉ sụt giảm nguồn thu tín dụng mà còn bị thiệt hại từ những sản phẩm dịch vụ khác. Đó là lý do, nhân viên tín dụng thường cố gắng thuyết phục khách hàng duy trì khoản vay cũ.
Các chuyên gia khuyên rằng, nếu rơi vào hoàn cảnh bị làm khó, khách hàng có thể phản ánh tới hội sở chính của ngân hàng thương mại nơi vay vốn để được giải quyết; hoặc phản ánh tới đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố nơi vay vốn.
Từng tư vấn dưới góc độ pháp lý về vấn đề này, luật sư Nguyễn Phong Phú (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, khách hàng hoàn toàn có quyền được trả nợ trước hạn bao gồm cả lãi suất, tiền phạt và chi phí phát sinh (nếu có). Trong trường hợp nhà băng không đồng ý cho thanh toán trước hạn, người dân cũng có thể thực hiện các thủ tục để đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định và có thể khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền, yêu cầu chấm dứt hợp đồng vay để không phải tiếp tục trả lãi.
Cụ thể, tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Nghĩa vụ trả tiền phải được thực hiện đầy đủ, đúng thời gian, đúng địa điểm và phương thức đã thỏa thuận.
Ngoài ra, pháp luật vẫn quy định việc chấm dứt hợp đồng trước hạn và đơn phương chấm dứt hợp đồng, cụ thể tại Điều 470 về Thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn quy định như sau:
Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý. Bên cạnh đó, bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.
Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi, bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp luật có quy định hoặc thỏa thuận khác.