Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy: Có nơi điều chỉnh giá đất tới 6 lần, nơi “bất động” từ năm 2020

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, nhiều địa phương đã thường xuyên điều chỉnh bảng giá đất, có nơi điều chỉnh tới 6 lần, giúp giá đất hiện hành đã sát với thị trường. Tuy nhiên, một số địa phương từ năm 2020 đến nay vẫn chưa điều chỉnh lần nào.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã cập nhật về những khó khăn và vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Luật Đất đai, trong đó có việc ban hành các nội dung thực hiện luật. Tính đến ngày 19/10, trong số 63 tỉnh, thành phố, chỉ có 2 địa phương đã ban hành đầy đủ 20 nội dung, 10 tỉnh, thành phố đã ban hành gần đủ (từ 17 đến 19 nội dung). Tuy nhiên, có 6 tỉnh, thành phố mới ban hành rất ít, chỉ từ 3 đến 5 nội dung.

Nhiều vấn đề trong công tác thực thi tại địa phương

Cũng theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, dù các địa phương có cùng điều kiện, vẫn có sự chênh lệch lớn trong tốc độ ban hành. Một số địa phương đã ban hành kịp thời, đầy đủ, trong khi có những nơi, kể cả các thành phố lớn, mới chỉ ban hành được 5 nội dung.

Do đó, Thủ tướng đã nhiều lần ra văn bản chỉ đạo, trong đó có 5 công điện nhằm thúc giục các địa phương nhanh chóng hoàn tất việc ban hành. Trong hai tuần gần đây, đặc biệt sau khi có các công điện của Thủ tướng, các địa phương đã có sự chuyển biến tích cực, và tình hình ban hành nội dung đã được cải thiện đáng kể.

Ngoài ra, ông Duy cũng đề cập đến tình hình một số địa phương đang gặp khó khăn trong việc lập và điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai, dự kiến áp dụng đến 31/12/2025 và chuẩn bị các điều kiện để xây dựng và ban hành bảng giá đất mới có hiệu lực từ 1/1/2026.

bo-truong-duy-1729965092.webp

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy

Cụ thể, qua quá trình theo dõi, có nhiều địa phương cho biết họ gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc, trong khi ngược lại, một số địa phương khác lại không gặp trở ngại nào. Vấn đề này do đâu mà có sự khác biệt như vậy?

Bộ trưởng cho biết, trong các báo cáo của Bộ đã chỉ ra rõ ràng, nhưng vấn đề chính nằm ở khâu tổ chức thực hiện luật. Luật Đất đai quy định bảng giá đất được ban hành và áp dụng theo chu kỳ 5 năm từ 2014 – 2019 và giai đoạn tiếp theo là 2019 – 2024 với quy định được điều chỉnh, bổ sung hàng năm mà không giới hạn số lần điều chỉnh.

Thực tế, có nhiều địa phương thường xuyên thực hiện điều chỉnh bảng giá đất,trong đó có nơi đã điều chỉnh tới 6 lần, thậm chí điều chỉnh tới 2 lần trong 1 năm. Do đó, ở những địa phương này, giá đất hiện hành đã gần sát với mức thị trường, nên dù có thực hiện điều chỉnh, tác động đến các tổ chức, cá nhân sử dụng đất, đặc biệt là về nghĩa vụ tài chính là không đáng kể.

Ở chiều ngược lại,có những địa phương từ năm 2020 đến nay chưa tiến hành điều chỉnh giá đất lần nào hoặc thực hiện rất ít. Do đó, khi điều chỉnh theo quy định của Luật Đất đai 2024 để đưa giá đất gần sát hơn với thực tế, sẽ có những ảnh hưởng lớn đến các đối tượng sử dụng đất tại các địa phương này.

Hệ số K không phải là giải pháp toàn diện

Đưa ra con số cụ thể, Bộ trưởng Bùi Đức Duy cho biết, tổng kết từ năm 2020 đến nay cho thấy có 29/63 địa phương đã điều chỉnh giá đất nhiều lần (2 đến 6 lần), trong đó Yên Bái là địa phương điều chỉnh nhiều nhất với 6 lần. Trong khi đó, có 23 địa phương chỉ điều chỉnh một lần và 11 địa phương chưa thực hiện điều chỉnh lần nào, bao gồm Quảng Trị, Bình Thuận và Bình Phước.

bang-gia-dat-1729965092.jpg

Nhiều địa phương chưa điều chỉnh bảng giá đất lần nào suốt từ năm 2020 đến nay

Cũng theo ông Duy, hầu hết các địa phương sử dụng hệ số K để xác định giá đất cụ thể trong một số trường hợp, nhưng hệ số này không phải là giải pháp toàn diện. Theo Luật Đất đai 2013, bảng giá đất không thể thay thế bằng hệ số K, mà phải nhân với hệ số này để điều chỉnh giá trong một số trường hợp nhất định. Nếu giá đất trên thị trường biến động trên 20% so với bảng giá đất, thì các địa phương bắt buộc phải điều chỉnh bảng giá.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều địa phương chỉ điều chỉnh hệ số K, và tất cả 63 tỉnh, thành phố đã thực hiện điều chỉnh hệ số này từ 3 đến 6 lần trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay. Điều này có thể gây ra những tác động lớn đối với các địa phương chưa thực hiện điều chỉnh giá đất.

Từ ngày 1/8 đến nay, đã có 7 địa phương đã hoàn thành việc điều chỉnh bảng giá đất mà không gặp khó khăn. Trong đó, TP.HCM ban đầu gặp nhiều phản hồi từ người dân và doanh nghiệp do sự chênh lệch lớn trong dự thảo, nhưng sau đó đã tiến hành rà soát và điều chỉnh phù hợp.

Do đó, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, những khó khăn vướng mắc không phải lỗi do cơ chế, chính sách mà vấn đề nằm ở khâu tổ chức thực hiện tại các địa phương.  Hiện tại, các địa phương vẫn đang điều chỉnh bảng giá đất theo Luật Đất đai 2013, trong khi bảng giá đất mới theo Luật 2024 sẽ bắt đầu được xây dựng và áp dụng từ 1/1/2026. Vì vậy, chưa thể khẳng định sẽ có vướng mắc gì trong quá trình thực hiện luật mới.