Boeing lại bị cổ đông kiện sau những sự cố liên quan đến máy bay

Nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới - Boeing đang bị kiện bởi chính các cổ đông lớn của mình vì cho rằng công ty đã đánh lừa họ về cam kết sản xuất ra những chiếc máy bay an toàn. Vụ kiện diễn ra sau sự cố máy bay bị bung thân vào ngày 5/1 vừa qua trên chiếc 737 MAX 9 thuộc chuyến bay của Alaska Airlines.

Theo một vụ kiện tập thể được đề xuất đệ mới đây, Boeing đã dành hơn 4 năm sau vụ tai nạn vào tháng 10/2018 và tháng 3/ 2019 diễn ra với 2 máy bay MAX, khiến 346 người thiệt mạng, để đảm bảo với các nhà đầu tư rằng hãng sẽ tập trung vào sự an toàn và sẽ không hy sinh sự an toàn vì lợi nhuận. Thế nhưng Boeing dường như đã không thực hiện được đúng theo cam kết này.

Vụ việc Boeing 737 MAX 9 của Alaska Airlines chở 177 người đã phải hạ cánh khẩn cấp ngay sau khi cất cánh vì một phần thân của máy bay bị thổi bay trên không và để lại một lỗ thủng lớn ngay hàng ghế hành khách vào ngày 5/1 đã được ví như giọt nước tràn ly buộc các cổ đông phải hành động để bảo vệ quyền lợi của mình.

Ngày 9/1, Tổng giám đốc Boeing là Dave Calhoun cũng đã lên tiếng thừa nhận nhà sản xuất máy bay đã phạm sai lầm và cam kết làm việc với các cơ quan quản lý để đảm bảo điều đó "không bao giờ có thể xảy ra nữa."

Chuyến bay 1282 Boeing 737-9 MAX của Alaska Airlines, buộc phải hạ cánh khẩn cấp với một khoảng trống trên thân máy bay ngày 5/1/2024. (Ảnh Reuters)

2 đối tác lớn của Boeing là Alaska Airlines và United Airlines ngay sau đó tiếp tục phát hiện các bộ phận lỏng lẻo trên các máy bay tương tự khiến tâm lý lo ngại về an toàn trên những chuyến bay lại được đặt ra. 

Theo nội dung vụ kiện, các cổ đông cho rằng tuyên bố về sự ưu tiên cho chất lượng hơn là lợi nhuận của Boeing là sai sự thật và gây hiểu nhầm vì họ đã che giấu "việc kiểm soát chất lượng kém" trên dây chuyền lắp ráp và khiến giá cổ phiếu của hãng bị thổi phồng.
Giá cổ phiếu của Boeing đã giảm 18,9% từ ngày 5/1 đến ngày 25/1/2024, tức là chỉ một ngày sau khi Ủy ban Hàng không Liên bang cấm Boeing mở rộng sản xuất MAX vì lo ngại về vấn đề an toàn. Điều này đồng nghĩa với việc Boeing đã bị "thổi bay" hơn 28 tỷ USD vốn hóa giá trị thị trường.

Giá trị vốn hóa của Boeing liên tục sụt giảm sau những vụ tai nạn gần đây.

Vụ kiện được đệ trình lên tòa án liên bang Alexandria, Virginia (Mỹ), bao gồm các cổ đông từ ngày 23/10/2019 đến ngày 24/1/2024 và do Tổng thủ quỹ Rhode Island James Diossa đứng đầu.
Những cá nhân khác cũng bị cáo buộc liên quan trách nhiệm bao gồm loạt lãnh đạo cấp cao của hãng: Giám đốc điều hành Boeing Dave Calhoun và người tiền nhiệm Dennis Muilenburg, Giám đốc tài chính Brian West và người tiền nhiệm Gregory Smith.

Trở lại với vụ việc ngày 5/1 vừa qua khiến Ủy ban Hàng không liên bang Mỹ (FAA) phải tạm thời hạ cánh 171 máy bay MAX 9 khác, dẫn đến hàng nghìn chuyến bay của Tập đoàn hàng không Alaska và United Airlines bị hủy ngay sau đó, ảnh hưởng trực tiếp tới các khách hàng của họ. Mặc dù không có ai thiệt mạng trên chuyến bay Alaska nhưng một số hành khách đã kiện Boeing và hãng hàng không này.
Thực tế năm 2023, giá cổ phiếu Boeing đã phục hồi đáng kể, ghi nhận mức tăng hơn 30% so với trước đó. CEO David Calhoun khẳng định với các nhà đầu tư, khách hàng và nhà quản lý rằng công ty đang cải tổ hoạt động. Tuy nhiên, sau sự cố ngày 5/1 vừa qua, những nỗ lực của Boeing thời gian qua dường như đang bị "đổ sông đổ bể".