Chuyện các ngân hàng liên tiếp rao bán nợ nhưng vẫn “ế” dưới góc nhìn của chuyên gia

Nhiều khoản nợ từ hàng nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp đến những khoản nợ tiêu dùng nhỏ vài ngàn đồng của khách hàng cá nhân đang được ngân hàng rao bán lỗ nhiều lần nhưng vấn "ế". Điều này có đáng lo ngại hay không từ góc nhìn của các chuyên gia?

Các ngân hàng liên tiếp "bán cắt lỗ" khoản nợ

Ngay từ đầu năm, nhiều nhà băng đã liên tiếp thông báo bán lỗ các khoản vay của khách để thu hồi nợ. Mới đây, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh 7, TP.HCM thông báo bán đấu giá khoản nợ hơn 1.500 tỷ đồng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Võ Thị Thu Hà. Để nhanh "thoát hàng", ViettinBank đưa ra giá khởi điểm chỉ còn 142 tỷ đồng, bằng 1/10 tổng khoản nợ gốc.

Cũng vừa trước đó 2 ngày, VietinBank đăng bán khoản nợ tiêu dùng không có tài sản đảm bảo của khách với tổng giá trị là 9,64 tỷ đồng. Trong đó khoản nợ có giá trị cao nhất là 188,4 triệu đồng và khoản nợ có giá trị thấp nhất là 2.781 đồng. 

VietinBank) vừa bán 498 khoản nợ vay tiêu dùng.

Cùng trong tháng 2 vừa qua, nhiều ngân hàng cũng liên tiếp rao bán các tài sản đảm bảo lẫn khoản nợ quá hạn của khách hàng. Ngày 26/2, hàng loạt ngân hàng thực hiện bán đấu giá 86 chiếc xe VinFast với giá từ 500-700 triệu đồng. Trong đó: VPBank phát mại 25 chiếc, TPBank 34 chiếc, TechcomBank 18 chiếc; PvcomBank và MB 5 chiếc.

Tiếp đó, Agribank chi nhánh 5 cũng hạ giá một nửa khoản nợ của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Khang Gia. Theo đó, tổng giá trị tạm tính đến ngày 12/9/2022 là gần 6,2 tỷ đồng nhưng nhà băng này chỉ mong muốn thu về hơn 3,6 tỷ đồng.

Tương tự, Agribank chi nhánh Láng Hạ cũng “tha thiết” bán khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil với tổng giá trị khoản nợ tạm tính đến ngày 25/01/2024 là hơn 92 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ này bao gồm 4 lô đất. Trong đó, 3 lô đất ở TP.HCM và 1 lô tại tỉnh Bình Thuận.

Giá khởi điểm của khoản nợ được ngân hàng đưa ra là 92,6 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là gần 78 tỷ đồng và dư nợ lãi, lãi quá hạn, lãi chậm trả là gần 15 tỷ đồng. Số tiền lãi tiếp tục phát sinh kể từ ngày 26/1 cho đến khi công ty này thanh toán.

Hay Agribank Chi nhánh Đống Đa đã 8 lần rao bán đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Khách sạn Bến Du Thuyền nhưng vẫn chưa ai mua. Khoản nợ với tài sản thế chấp là dự án bất động sản với gần 700 căn hộ và sân vườn Penthouse tầng 36, tầng hầm và 35 tầng kinh doanh thương mại. Tất cả đều là những tài sản hình thành trong tương lai.

Đáng chú ý, từ tháng 8/2023 đến nay, nhà băng nhóm “Big 4” nói trên đã có gần 100 thông báo liên quan đến việc xử lý nợ và tài sản đảm bảo. 

Còn ngày 13/2, SaiGonBank Hà Nội cũng thông báo về việc bán đấu giá căn hộ tại địa chỉ số 4B phố Đường Thành, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội với giá khởi điểm của tài sản là hơn 1,1 tỷ đồng. Đầu tháng 2, GPBank chi nhánh Đông Đô cũng thanh lý lô đất và tài sản gắn liền với đất tại tổ dân phố 10, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội với giá khởi điểm hơn 7 tỷ đồng...

Ngân hàng rao bán nợ nhiều lần vẫn "ế" là bình thường 

Đưa ra quan điểm sự việc trên, ông Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế cho rằng, kết quả kinh doanh của các nhà băng vẫn tăng trưởng "nóng" trong bối cảnh kinh tế suy giảm. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến các khoản nợ xấu ngày càng tăng do các khách hàng không có khả năng trả nợ.

Theo vị chuyên gia này việc nhiều nhà băng liên tục rao bán các khoản nợ đôi khi chỉ mang tính thủ tục để ngân hàng hạch toán các khoản nợ xấu. Ngân hàng là đơn vị rao bán, còn tổ chức đấu giá lại do bên bán đấu giá chuyên nghiệp được thuê thực hiện.

Ông Hiển cũng cho rằng, việc khoản nợ “ế ẩm” phải rao bán nhiều lần cũng là bình thường. Chuyên gia ví dụ, một miếng đất làm tài sản đảm bảo cho khoản vay trị giá 100 tỷ đồng. Sau thời gian nhất định, giá thị trường giảm xuống còn 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, thủ tục khi rao bán là phải bằng giá thế chấp, sau đó mới giảm giá dần để đảm bảo quyền lợi người vay.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, khoản nợ “ế ẩm” được rao bán nhiều lần là bình thường.

Ngoài ra, nhiều người thường mặc định thủ tục mua bán các sản phẩm thế chấp thường rườm rà nên ngại mua, chưa kể tâm lý dùng lại đồ từ chủ sở hữu cũ không có khả năng trả nợ sẽ xui xẻo, không may mắn.

Cũng từng chia sẻ về vấn đề này, ông Võ Đại Lược - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới cho biết, ngành ngân hàng đang đối mặt vấn đề lớn là nợ xấu. Nhiều nhà băng đã gia tăng bán đấu giá các khoản nợ để thu hồi. Tuy nhiên, có những khoản nợ bán đi bán lại nhiều lần vẫn chưa “thoát hàng”.

Theo ông Lược, nợ xấu tăng làm dòng tiền cho vay không trở lại ngân hàng, từ đó buộc nhiều ngân hàng phải huy động vốn với lãi suất cao để bù đắp thanh khoản.