Thông báo của cơ quan điều hành châu Âu cho biết: “Ủy ban châu Âu đã phạt Meta vì vi phạm các quy định chống độc quyền của EU bằng cách liên kết dịch vụ quảng cáo trực tuyến Facebook Marketplace với mạng xã hội cá nhân Facebook và áp đặt các điều kiện giao dịch không công bằng đối với các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến khác”.
Ủy ban cho rằng, Meta làm méo mó sự cạnh tranh bằng cách tự động đưa người dùng Facebook tiếp cận Marketplace "bất kể họ có muốn hay không" và loại trừ các đối thủ cạnh tranh.
Sau quyết định của Ủy ban châu Âu, Meta cho biết họ sẽ kháng cáo quyết định này, nhưng trong thời gian chờ đợi, họ sẽ tuân thủ và sẽ làm việc nhanh chóng, mang tính xây dựng để đưa ra giải pháp giải quyết các điểm đã nêu.
Động thái của Ủy ban châu Âu được đưa ra hai năm sau khi cơ quan này cáo buộc gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã tạo cho dịch vụ quảng cáo phân loại Facebook Marketplace một lợi thế không công bằng khi gộp hai dịch vụ này lại với nhau.
Trước đó, Liên minh Châu Âu đã tiến hành các cuộc điều tra về hành vi phản cạnh tranh có thể xảy ra của Facebook vào tháng 6/2021 và vào tháng 12/2022. Cơ quan này đã nêu lên mối lo ngại rằng Meta liên kết mạng xã hội Facebook với các dịch vụ quảng cáo trực tuyến của mình.
Facebook ra mắt Marketplace vào năm 2016 và mở rộng sang một số nước châu Âu một năm sau đó và hiện đang được mở rộng ra hầu khắp các thị trường của công ty.
Theo phán quyết của EU, Meta áp đặt Facebook Marketplace cho những người sử dụng Facebook theo "mối liên kết" bất hợp pháp. Tuy nhiên, Meta cho biết lập luận đó bỏ qua thực tế là người dùng Facebook có thể lựa chọn không tham gia Marketplace nếu không muốn.
Công ty nhấn mạnh, việc Ủy ban Châu Âu tuyên bố Marketplace có khả năng cản trở sự phát triển của các thị trường trực tuyến lớn hiện có ở EU nhưng lại không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về tác hại đối với các đối thủ cạnh tranh.
Theo công ty, Facebook Marketplace đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng theo những cách mới sáng tạo và tiện lợi. "Thực tế là mọi người sử dụng Facebook Marketplace vì họ muốn, chứ không phải vì họ bị ép buộc phải làm vậy", thông báo của Meta cho hay.
Khoản tiền phạt 840 triệu USD chỉ chiếm chưa đến 1% tổng doanh thu năm 2023 của Meta là gần 135 tỷ USD.
Các công ty có nguy cơ bị phạt tới 10% doanh thu toàn cầu vì vi phạm luật chống độc quyền của EU.