Công ty con của Novaland bị Gỗ An Cường “đòi” 300 tỷ tiền cọc mua bất động sản

Gỗ An Cường đã đặt cọc 285 tỷ để mua bất động sản thuộc dự án Novaworld Phan Thiết thuộc Công ty Cổ phần Novareal. Nhưng sau đó Gỗ An Cường lựa chọn không mua nữa, đồng thời yêu cầu nhận lại tiền cọc.
Gỗ An Cường Gỗ An Cường đã thu hồi 28,5 tỷ đồng

Trong Báo cáo tài chính quý IV/2023, Công ty Cổ phần Gỗ An Cường (gọi tắt là Gỗ An Cường) đã ghi nhận khoản phải thu gần 257 tỷ đồng với Công ty Cổ phần Novareal - một công ty con của Novaland (mã chứng khoán: NVL).

Trước đó, tháng 1/2021, Gỗ An Cường đã ký các văn bản thỏa thuận với Novareal để mua bất động sản thuộc dự án Novaworld Phan Thiết. Gỗ An Cường đã đặt cọc trước 285 tỷ đồng. Theo các văn bản đã ký giữa 2 bên, đến ngày 15/3/2023, Gỗ An Cường có quyền lựa chọn tiếp tục mua hoặc không mua bất động sản thuộc dự án trên.

Sau nhiều cân nhắc, Gỗ An Cường lựa chọn không mua bất động sản và thỏa thuận lịch thu hồi lại số tiền cọc từ quý 4/2023 đến năm 2025. Ngày 3/11/2023, Gỗ An Cường đã thu hồi 28,5 tỷ đồng. Lãi suất được hưởng là 13%/năm đến tháng 9/2023 và sau đó là 15%/năm. Ngày 31/12/2023, Gỗ An Cường đã ghi nhận lãi dự thu là gần 5,7 tỷ đồng.

Quý IV/2023, Gỗ An Cường ghi nhận 1.151 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 17% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp của công ty giảm 21,2% còn gần 339 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính của công ty gần như không thay đổi so với năm ngoái, ở mức 49 tỷ đồng. Lũy kế năm 2023, Gỗ An Cường ghi nhận doanh thu 3.762 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 437 tỷ đồng. Từ năm 2017 đến nay, đây là khoảng lãi thấp nhất của Gỗ An Cường.

Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Gỗ An Cường đạt 5.522 tỷ đồng, tăng 50 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, công ty này đang có hơn 1.900 tỷ đồng tiền gửi và tiền mặt, chiếm 36% cơ cấu tài sản và tăng 33% so với đầu năm. Lượng hàng tồn kho ở mức 1.1134 tỷ đồng, giảm 22,6%. Doanh nghiệp này có hơn 700 tỷ đồng nợ vay tài chính trong khi vốn chủ sở hữu ở mức 4.173 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Gỗ An Cường cung cấp hơn 50% sản phẩm vật liệu nội thất trung và cao cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Công ty này cho biết các chủ đầu tư lớn như Vinhomes, Novaland, Nam Long, Capital Land, Keppel Land, Gamuda Land, Hà Đô, Khang Điền, Hưng Thịnh đều sử dụng sản phẩm của Gỗ An Cường. Trong đó chủ đầu tư Vinhomes sử dụng 100% sản phẩm gỗ của An Cường và thiết bị bếp cho các dự án lớn như Vinhomes Smart City, Vinhomes Ocean Park…

Nhà máy An Cường có diện tích 240.000m2 trong đó 50% máy móc được vận hành tự động. Sau hơn 25 năm phát triển, công ty này luôn đạt tỷ lệ tăng trưởng 25-30%/năm, trở thành một trong những doanh nghiệp có quy mô lớn nhất ngành gỗ nội thất tại Việt Nam.

Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán NVL) là ông lớn trong ngành bất động sản. Thị trường bất động sản khó khăn khiến doanh nghiệp này cũng rơi vào tình trạng nợ nần. Sau cơn biến động cổ phiếu NVL giảm sàn 17 phiên liên tiếp năm ngoái, thì giá cổ phiếu của Novaland trong tháng đầu năm nay vẫn trồi sụt bất thường. Lúc mới phát hành, cổ phiếu của doanh nghiệp này ở ngưỡng hơn 80.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng ở thời điểm hiện tại chỉ có hơn 16.000 đồng/ cổ phiếu. Mới đây, cổ đông lớn nhất của tập đoàn này đã thông báo bán hàng chục triệu cổ phiếu NVL để giúp doanh nghiệp cơ cấu nợ.

Về trái phiếu, doanh nghiệp này cũng đang rơi vào khoản nợ hàng trăm triệu đô la khiến Novaland vừa phải thông qua việc điều chỉnh giá và tỷ lệ chuyển đổi của trái phiếu quốc tế.