Đề xuất giảm 30% tiền thuê đất: Doanh nghiệp bất động sản được hưởng lợi như thế nào?

Theo các chuyên gia, việc đề xuất giảm tiền thuê đất không chỉ nhằm mục đích hỗ trợ tài chính cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.

Trong dự thảo Nghị định của Chính phủ đang được lấy ý kiến công khai, Bộ Tài chính đã đề xuất hai mức giảm là 15% và 30% cho tiền thuê đất mà các tổ chức, đơn vị, hộ gia đình và cá nhân phải nộp trong năm 2024, không bao gồm các khoản nợ từ các năm trước và chậm nộp.  Theo Bộ Tài chính, nếu đề xuất này được thông qua, tổng số tiền thuê đất thu về ngân sách nhà nước có thể giảm từ 2.000 đến 4.000 tỷ đồng, tương ứng với mức giảm dự kiến từ 15% đến 30%.

Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau thiên tai

Chính sách này được áp dụng cho các đối tượng là tổ chức, đơn vị, hộ gia đình và cá nhân hiện đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp dưới hình thức thanh toán tiền thuê hàng năm. Những người đang được giảm tiền thuê đất cũng nằm trong nhóm đối tượng ưu đãi của chính sách này.

Mức giảm đang đề xuất cũng không gây ảnh hưởng đáng kể đến tổng thu ngân sách Nhà nước. Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia đang đối mặt với nhiều rủi ro và những tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững.

Cụ thể, các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão Yagi, mưa lũ và sạt lở đất tại các tỉnh, thành phía Bắc đã gây ra tổn thất lớn cho địa phương, với tổng mức thiệt hại lên tới hơn 60.000 tỷ đồng. Những hậu quả này có thể làm giảm GDP quốc gia khoảng 0,15% so với kế hoạch.

Thực tế, chính sách giảm tiền thuê đất đã được áp dụng từ năm 2020 – 2023 để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, số tiền thuê đất, thuê mặt nước được giảm trung bình các năm 2020 - 2023 là 2.890 tỷ đồng/năm; riêng các năm 2021, 2022, 2023 trung bình là 3.734 tỷ đồng/năm. 

tien-thue-dat-1727397615.jpg

Nếu đề xuất được thông qua, tổng số tiền thuê đất thu về ngân sách nhà nước có thể giảm từ 2.000 đến 4.000 tỷ đồng

Theo các chuyên gia, việc đề xuất giảm tiền thuê đất không chỉ nhằm mục đích hỗ trợ tài chính cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.

Khi các doanh nghiệp được giảm bớt gánh nặng chi phí tài chính, sẽ đầu tư nhiều hơn vào sản xuất, mở rộng kinh doanh, từ đó tạo ra nhiều việc làm hơn và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Đồng thời, thúc đẩy việc sử dụng đất hiệu quả hơn, tránh lãng phí tài nguyên đất đai.

Tuy nhiên, TS. Trần Minh Sơn, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế cho rằng, việc triển khai chính sách giảm tiền thuê đất cũng đặt ra thách thức về việc đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong việc xác định các đối tượng được hưởng lợi.

Các cơ quan chức năng cần thiết lập các tiêu chí rõ ràng và minh bạch để đảm bảo chỉ những tổ chức, đơn vị, hộ gia đình và cá nhân thực sự cần thiết mới được hưởng lợi từ chính sách này. Điều này giúp ngăn chặn tình trạng lạm dụng và đảm bảo rằng nguồn lực tài chính được phân bổ một cách hiệu quả và công bằng.

Bên cạnh đó, tăng cường giám sát và đánh giá hiệu quả chính sách, phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ của các đối tượng mục tiêu và góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

nha-o-1-1727397699.jpg

Thị trường bất động sản không có nhiều tác động lớn

Không có tác động lớn đến thị trường bất động sản

Có ý kiến cho rằng, việc giảm tới 30% tiền thuê đất các doanh nghiệp bất động sản sẽ là đối tượng được hưởng lợi chính. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, với diễn biến thị trường hiện nay, việc giảm tiền thuê đất không có tác động lớn.

Bởi lẽ, nguồn cung các dự án mới ở tất cả các phân khúc đang quá hạn chế. Nhiều người kỳ vọng vào cuối năm sẽ có nhiều dự án nhà ở bình dân kèm theo hàng loạt chính sách hỗ trợ, nhưng đến nay đã sắp bước sang quý IV mà thị trường hầu như không thấy bất kỳ tín hiệu tích cực nào.

Số lượng dự án mới ít đồng nghĩa với việc diện tích đất được sử dụng cũng hạn chế, nên tác động của chính sách này cũng không đáng kể, chỉ có thị trường văn phòng, mặt bằng bán lẻ và bất động sản công nghiệp trên diện tích đất thuê của Nhà nước thì sẽ được hưởng lợi.

Đồng tình, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trầm lắng, việc chỉ giảm 30% tiền thuê đất sẽ không mang lại tác động lớn, các doanh nghiệp cũng không được hưởng lợi nhiều dù liên quan đến đất đai.

Để phục hồi lĩnh vực bất động sản, ông Long nhấn mạnh cần phải giải quyết các vướng mắc pháp lý và kích thích nguồn vốn, đặc biệt là đối với các dự án nhà ở xã hội nhằm tạo thanh khoản và làm "ấm" dần thị trường.