Doanh nghiệp bất động sản lách qua “khe cửa hẹp”

Thiếu cung, giảm cầu và dòng tiền khan hiếm là những khó khăn khiến “sức khỏe” các doanh nghiệp bất động sản bị suy yếu. Nhiều dự báo doanh nghiệp bất động sản sẽ có sự phân hóa rõ nét ở giai đoạn cuối năm.

Doanh nghiệp “chật vật” ngược xuôi

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy con số đáng chú ý khi lĩnh vực bất động sản dẫn đầu về mức độ sụt giảm số doanh nghiệp thành lập mới. 7 tháng đầu năm 2023, riêng bất động sản có 2.622 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (giảm 56,2% so với cùng kỳ năm trước). Số lượng giải thể là 756 doanh nghiệp (tăng 17% so với cùng kỳ năm trước). Điều này phản ánh tình hình khó khăn rất lớn của thị trường bất động sản hiện nay.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản không có nhiều tín hiệu khả quan. (Ảnh minh họa)

Trong số doanh nghiệp ngành này niêm yết có vốn hóa lớn công bố kết quả kinh doanh thì chỉ có hai doanh nghiệp là Vinhomes và Nam Long Group còn cho thấy có những tín hiệu lạc quan. Trong đó, tổng doanh thu thuần 6 tháng năm 2023 của Vinhomes đạt 62.100 tỷ đồng, tăng 364% so với cùng kỳ. Sở dĩ có sự tăng là nhờ doanh nghiệp này đã bàn giao 5.400 sản phẩm bất động sản thấp tầng tại một dự án ở Hà Nội. Với kết quả này, Vinhomes đã hoàn thành 72% kế hoạch năm. Còn với Nam Long Group, doanh nghiệp này đạt 231 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng 10% so với cùng kỳ.

Một số các “ông lớn” bất động sản khác chấp nhận có sự suy giảm về “sức khoẻ tài chính” trong những tháng vừa qua, như Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt trong báo cáo tài chính bán niên cho biết việc đầu tư kinh doanh vào các dự án không được thuận lợi.

Hay như CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, NVL) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất tăng 72% trong quý 2/2023 nhưng áp lực chi phí khiến công ty lỗ 201 tỷ đồng. Tuy vậy, Novaland cho biết đang tiếp tục trong quá trình tái cấu trúc. Bên cạnh đó, loạt dự án trọng điểm dần được tháo gỡ pháp lý và rục rịch tái khởi động được xem là động lực thời gian tới.

Đa phần doanh nghiệp trong ngành đều ghi nhận lợi nhuận suy giảm chủ yếu do doanh thu thấp hơn cùng kỳ. Điều này phản ánh thực tế áp lực trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng. Tiêu biểu cho trường hợp này là CTCP Hà Đô (HDG) khi doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt giảm 44% và 88%.

Tính đến hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp niêm yết trong mảng bất động sản đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2023. Không khó hiểu khi bức tranh tổng quan khá kém sắc, đặc biệt nhóm bất động sản thương mại đồng loạt báo giảm lợi nhuận.

Tắc thanh khoản đang khiến cho thị trường bất động sản đối mặt với khó khăn lớn. Câu chuyện về dòng tiền đặt trong bối cảnh hiện nay hết sức quan trọng, bởi càng về cuối năm áp lực dòng tiền càng mạnh. Nếu không tìm được “lối thoát” kịp thời dễ dẫn đến sự “ra đi” của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản thời gian tới. Và khi đó, nhiều người lao động sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm, ảnh hưởng tới các vấn đề an sinh xã hội.

Kỳ vọng tìm lối thoát

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp bất động sản đang phải xoay xở bán hàng và đôn đáo đi tìm nguồn vốn thiếu hụt. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực điều chỉnh, hỗ trợ qua các đợt giảm lãi suất, gói tín dụng ưu đãi,... tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn kêu khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng. Một số doanh nghiệp khác có cơ hội để tiếp cận vốn ngân hàng thì lại đang vướng mắc về pháp lý.

Các chuyên gia cho rằng, để mang lại sức sống từ việc hấp thụ các nguồn vốn mới thì các vấn đề của thị trường cần phải được giải quyết triệt để. Doanh nghiệp ngoài các nguồn vốn quen thuộc như tín dụng từ ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp thì cần hút thêm các nguồn vốn tài chính khác như quỹ đầu tư, quỹ tiết kiệm nhà ở,…

Ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực thứ hai Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA). Ảnh: An Vũ

Có ba điểm khó khăn chính được ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực thứ hai Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) chỉ ra là: pháp lý, nguồn vốn và thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Phân tích kỹ hơn, ông Chiến cho rằng, về vấn đề pháp lý nổi lên việc thực thi với các văn bản mới ban hành còn khó áp dụng; sự chồng chéo của các văn bản và việc điều tiết của pháp luật với những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn còn hạn chế.

Trên thị trường, trong hơn một năm nay vẫn âm thầm ghi nhận các hoạt động mua bán và sáp nhập tăng dần. Đa số các nhà đầu tư này đều hướng đến các dự án có pháp lý ổn định để tránh rủi ro. Đây cũng được nhận định là một trong những hướng đi giúp doanh nghiệp có thể xoay xở dòng tiền trả nợ trong lúc các nguồn vốn đang khó khăn hoặc cạn kiệt. Các chuyên gia cho rằng rất cần tiếp tục cải thiện khung pháp lý để hút dòng vốn ngoại tạo thành “cú hích” cho thị trường.

Theo dự báo thì nhiều khả năng quý 4/2023 là thời điểm doanh nghiệp kỳ vọng sẽ bắt đầu chu trình mới với sự phục hồi dần dần ở một số phân khúc và thị trường chủ lực. Nhưng trước khi kỳ vọng đó được diễn ra, các doanh nghiệp bất động sản phải đưa ra những quyết sách nhằm duy trì hoạt động như việc tái cấu trúc, cắt giảm những chi phí không cần thiết, phát triển các nguồn hàng và cân đối lại dòng tiền chờ tín hiệu và thời cơ từ thị trường.

PGS.TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM). Ảnh: nguoiquansat 

PGS.TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thì cho rằng, thị trường đang ở giai đoạn lưng chừng chưa lên hẳn mà cũng không xuống, nhưng chắc chắn là cơ hội đang nhiều hơn thách thức. Thị trường bất động sản đang rất chờ đợi vào tháng 11 này khi các luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở sẽ được sửa đổi và thông qua.