Các nhà lập pháp Mỹ đã thông qua Đạo luật CHIPS năm 2022 với tham vọng biến nước này trở thành một cường quốc bán dẫn, một phần là để giảm sự phụ thuộc nguồn chip từ nước ngoài đối với các công ty công nghệ trong nước.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn nước này, đã có hơn 50 dự án cơ sở vật chất mới đã được công bố kể từ khi Đạo luật CHIPS được ban hành và các công ty tư nhân đã cam kết đầu tư hơn 210 tỷ USD. Tuy nhiên, những khoản đầu tư này sẽ không thực sự hiệu quả khi đặt trong bối cảnh thị trường lao động Mỹ ngày càng eo hẹp, các nhà tuyển dụng trên khắp cả nước đang vật lộn để tìm kiếm nhân công.
Các nhà sản xuất chất bán dẫn từ lâu đã thấy khó khăn trong việc tuyển dụng nhân công vì thiếu nhận thức về ngành và quá ít sinh viên theo học các lĩnh vực học thuật có liên quan. Lãnh đạo các công ty trong lĩnh vực cho biết họ dự kiến sẽ còn khó khăn hơn nữa để tuyển dụng nhân sự cho một loạt các vị trí quan trọng, bao gồm công nhân xây dựng xây dựng nhà máy, kỹ thuật viên vận hành thiết bị và kỹ sư thiết kế chip.
Theo báo cáo của Deloitte, ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khoảng 70.000 đến 90.000 công nhân trong vài năm tới. McKinsey cũng dự báo sẽ thiếu hụt khoảng 300.000 kỹ sư và 90.000 kỹ thuật viên lành nghề tại Mỹ vào năm 2030.
Các nhà sản xuất chất bán dẫn nước này đã phải vật lộn để thuê thêm nhân viên, một phần vì không có đủ công nhân lành nghề và họ phải cạnh tranh với các công ty công nghệ lớn để có được kỹ sư. Nhiều sinh viên tốt nghiệp với bằng kỹ sư nâng cao tại Mỹ được sinh ra ở nước ngoài và các quy định về nhập cư khiến việc xin thị thực để làm việc tại quốc gia này trở nên khó khăn.
“Nỗi sợ lớn nhất của tôi là đầu tư vào tất cả cơ sở hạ tầng này mà không có người làm việc ở đó”, Shari Liss, giám đốc điều hành của SEMI Foundation, một nhánh phi lợi nhuận của SEMI - hiệp hội đại diện cho các công ty sản xuất thiết bị điện tử cho biết. “Tác động có thể thực sự đáng kể nếu chúng ta không tìm ra cách tạo ra sự phấn khích và hứng thú trong ngành này”.
Trước bối cảnh đó, chính quyền Mỹ đang khởi động một chương trình đào tạo lực lượng lao động sản xuất chip máy tính mới tại nước này, nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hụt lao động chất lượng cao, có nguy cơ làm suy yếu ngành sản xuất chất bán dẫn trong nước.
Chương trình sẽ sử dụng một phần trong số tiền 5 tỷ USD tài trợ liên bang dành cho Trung tâm công nghệ bán dẫn quốc gia (NSTC). NSTC dự định trao các khoản tài trợ cho 10 dự án phát triển nhân lực với ngân sách từ 500.000 đến 2 triệu USD. Tất cả ngân sách kể trên đến từ kế hoạch của Đạo luật Khoa học và Chip năm 2022 với mức chi phí tới 39 tỷ USD tiền tài trợ để thúc đẩy sản xuất chip của Mỹ, cộng với 11 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn.
Các công ty của Mỹ cũng đã cam kết đầu tư nhiều hơn 10 lần số tiền đó để đáp ứng các ưu đãi nhằm định hình lại thị trường bán dẫn toàn cầu.
Hơn 50 trường cao đẳng cộng đồng đã công bố các chương trình liên quan đến chất bán dẫn mới hoặc mở rộng. Bốn doanh nghiệp được hưởng ưu đãi lớn nhất từ đạo luật Chips gồm Intel, TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Co.), Samsung Electronic và Micron Technology đều chi từ 40 đến 50 triệu USD để chiêu tài và phát triển nhân sự chất lượng cao.
Ngày 1/7, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã công bố khoản tài trợ thứ 12 từ chương trình sản xuất đó, trị giá 6,7 triệu USD để hỗ trợ Rogue Valley Microdevices - một nhà máy mới ở Florida tập trung vào chip với các ứng dụng quốc phòng và y sinh.