Nhiều công ty trong Fortuner 500 lo ngại kinh doanh gặp rủi ro từ những quy định đối với AI

Nhiều công ty lớn lo ngại rằng sự không chắc chắn về luật pháp đối với AI trong tương lai có thể gây ra những bất lợi cho hoạt động kinh doanh, bao gồm chi phí tuân thủ quy định và những hình phạt nếu vi phạm… Số lượng các công ty thuộc Fortune 500 liệt kê AI là yếu tố rủi ro đã tăng gần 500% từ năm 2022 đến năm 2024

Bộ phận pháp lý của nhiều công ty lớn trên thế giới đang nêu bật những rủi ro kinh doanh mà sự chắp vá của các quy định pháp luật đối với AI trong giai đoạn đầu có thể gây ra. 

Meta đã đề cập đến AI 11 lần trong báo cáo thường niên năm 2022 và 39 lần vào năm 2023. Công ty đã dành hẳn một trang trong báo cáo thường niên năm 2023 để nói về những rủi ro từ các sáng kiến AI của riêng mình. Gã khổng lồ công nghệ cho biết "không thể dự đoán được tất cả các rủi ro liên quan đến việc sử dụng AI", bao gồm cả cách quy định sẽ ảnh hưởng đến công ty.

Motorola Solutions cho biết trong báo cáo thường niên mới đây của họ rằng việc tuân thủ các quy định về AI "có thể rất khó khăn và tốn kém, và có thể không nhất quán tùy theo từng khu vực pháp lý, làm tăng thêm chi phí tuân thủ và rủi ro trách nhiệm pháp lý".

Công ty này cho biết thêm: "Không rõ các luật, quy định hiện hành và tương lai chi phối các vấn đề như AI, sản phẩm hỗ trợ AI, sinh trắc học và các phân tích video khác sẽ được áp dụng hoặc thực thi như thế nào đối với các sản phẩm và dịch vụ mà chúng tôi bán".

rui-ro-kinh-doanh-1725261596.jpg
Nhiều công ty lớn e ngại, các quy định luật pháp đối với AI không ổn định có thể sẽ gây ra những rủi ro cho hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.

NetApp, một công ty cơ sở hạ tầng dữ liệu, cho biết trong báo cáo thường niên rằng công ty đặt mục tiêu "sử dụng AI một cách có trách nhiệm" nhưng có thể "không thành công trong việc xác định hoặc giải quyết các vấn đề trước khi chúng phát sinh". Công ty nói thêm rằng các quy định làm chậm quá trình áp dụng AI có thể gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh của họ. Công ty viết: "Trong trường hợp quy định làm chậm trễ hoặc cản trở đáng kể việc áp dụng AI, nhu cầu đối với sản phẩm của chúng tôi có thể không đáp ứng được các kế hoạch kinh doanh".

George Kurian, CEO của NetApp, chia sẻ với tờ The Wall Street Journal rằng ông khuyến khích việc quản lý AI: "Chúng ta cần sự kết hợp giữa ngành công nghiệp và sự tự điều chỉnh của người tiêu dùng, cũng như quy định chính thức. Nếu quy định tập trung vào việc cho phép sử dụng AI một cách tự tin, thì đó có thể là một lợi ích".

Giám đốc điều hành DeepMind là Demis Hassabis, đồng sáng lập OpenAI là Sam Altman và thậm chí cả Elon Musk đều kêu gọi đưa ra các mức độ bảo vệ khác nhau mà họ tin rằng có thể ngăn chặn công nghệ này phát triển quá mức.

Các chuyên gia luật công nghệ trước đây đã nói với Business Insider rằng AI tạo sinh không được kiểm soát có thể mở ra một "thời kỳ đen tối" khi tác phẩm có bản quyền được sao chép bằng các mô hình, làm giảm động lực cho tác phẩm gốc và thông tin sai lệch dễ dàng được tạo ra và phát tán bởi những kẻ xấu.

Thực tế, ngày càng có nhiều công ty thuộc danh sách Fortune 500 nhấn mạnh đến những rủi ro kinh doanh có thể xảy ra do các quy định liên tục thay đổi đối với AI.

Một phân tích từ Arize AI, một công ty khởi nghiệp giúp các doanh nghiệp có thể khắc phục sự cố hệ thống AI tạo sinh, phát hiện ra rằng 137 trong số 500 công ty Fortune - hay khoảng 27% trong số 500 công ty Fortune - xác định quy định về AI là rủi ro đối với doanh nghiệp của họ trong các báo cáo thường niên nộp lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch, tính đến ngày 1 tháng 5 năm nay.

Cũng theo dữ liệu của Arize, số lượng các công ty thuộc Fortune 500 liệt kê AI là yếu tố rủi ro đã tăng gần 500% từ năm 2022 đến năm 2024.

top-500-fortuner-1725261745.jpg
Một phân tích gần đây của Arize AI cho thấy 137 trong số 500 công ty Fortune đã trích dẫn quy định về AI là một yếu tố rủi ro trong các báo cáo thường niên.

Trong các báo cáo thường niên mới đây, các công ty đã trích dẫn những chi phí có thể phát sinh do tuân thủ luật mới cũng như các khoản phạt khi vi phạm luật hoặc các quy tắc có thể làm chậm quá trình phát triển AI.

Đáng lưu ý, tuy e ngại về việc các quy định đối với AI có thể dẫn tới những rủi ro đối với hoạt động kinh doanh nhưng các công ty đều cho rằng không nhất thiết phải phản đối AI. Thay vào đó, họ quan tâm đến sự ổn định và nhất quán của quy định. Ví dụ, cơ quan lập pháp của California (Mỹ) vừa thông qua dự luật AI cấp tiểu bang đầu tiên — nhưng không rõ Thống đốc Gavin Newsom có ký thành luật hay các tiểu bang khác sẽ làm theo hay không.