Những hóa đơn nước gây thắc mắc
Thời gian gần đây, nhiều vụ việc liên quan đến hóa đơn tiền nước thu hút được sự quan tâm của dư luận. Vào đầu tháng 10, bà H.V.A (chủ quán cà phê ở lô 27 Lê Quý Đôn, tổ 10, phường Kỳ Bá, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình) đã khiếu nại Công ty Cổ phần Nước sạch Thái Bình vì nghi ngờ đồng hồ đo nước bị hỏng khiến hóa đơn nước liên tục tăng cao bất thường.
Bà A. cho biết, lượng nước tháng 7 là 287m3 tương đương hơn 4,5 triệu đồng, tháng 8 là 353m3 tương đương hơn 5,5 triệu đồng, tháng 9 là 342m3 tương đương hơn 5,4 triệu đồng. Trước đó, hóa đơn tiền nước chỉ trên 1,5 triệu đồng, nhiều nhất là 3,5 triệu đồng. Theo bà A., bà kinh doanh 3 quán cà phê. So với mặt bằng kinh doanh tại một quán khác của bà nằm trên đường Hai Bà Trưng (TP. Thái Bình) thì số tiền nước nói trên cao gấp khoảng gần... 50 lần.
Trước bất thường nói trên, bà A. đã nhiều lần trao đổi, kiến nghị với nhân viên của Công ty Cổ phần Nước sạch Thái Bình, nhưng đều nhận được câu trả lời là lỗi do thiết bị nước nhà bà có vấn đề. Khiếu nại không được giải quyết thỏa đáng, bà A. cho biết tiếp tục làm đơn kiến nghị để mong muốn đi đến cùng sự việc.
Hay mới đây, ông H.T.H. (quận 10, TP. HCM) cũng phản ánh tới báo Tuổi trẻ về việc bị truy thu tiền nước. Ông H. cho biết, trước đây sống tại một địa chỉ khác trong cùng quận với định mức nước là 4m³/người/tháng cho 4 người. Sau khi chuyển đến một phường khác trong quận, ông không chuyển đổi định mức nước và vẫn sử dụng định mức của chủ cũ vì nghĩ hai địa điểm đều có cùng định mức nước. Tuy nhiên, khi công ty cấp nước tiến hành rà soát, ông bị truy thu hơn 7 triệu đồng.
Liên quan đến vấn đề này, Công ty Cổ phần Cấp nước Phú Hòa Tân cho biết đã tiếp nhận hồ sơ của ông H. vào ngày 8/10. Ông H. đã mua căn nhà vào ngày 15/5/2017 nhưng không thông báo cho công ty để thực hiện sang tên đồng hồ nước và điều chỉnh định mức nước sinh hoạt. Định mức của chủ cũ cho 8 người là 32m³, trong khi gia đình ông chỉ có 4 người sử dụng.
Dựa theo quyết định của UBND TP. HCM về việc cung cấp và sử dụng nước, công ty đã lập biên bản thu bổ sung tiền nước chênh lệch trong 73 kỳ hóa đơn từ năm 2017 đến 2023. Tổng lượng nước tiêu thụ là 933m³, tổng số tiền là 13.768.096 đồng, trong khi ông H. đã thanh toán 6.368.923 đồng. Số tiền còn lại phải truy thu là 7.399.173 đồng.
Đại diện công ty cho hay, ông H. đã đồng ý với nội dung làm việc và thanh toán bổ sung vào ngày 8/10. Ông cũng đã ký lại hợp đồng dịch vụ cấp nước, sửa tên đồng hồ nước và cấp định mức cho 4 người (16m³) có hiệu lực từ kỳ hóa đơn 11/2024.
Ông Nguyễn Thanh Sử - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) cho biết, việc tính giá nước theo định mức nhân khẩu là một cách công bằng và có lợi cho việc bảo vệ tài nguyên. Hiện tại, TP. HCM quy định mỗi nhân khẩu có định mức nước là 4m³/tháng.
Nếu áp dụng phương thức tính giá nước theo đồng hồ, giống như ngành điện, sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, người dân không cần phải đăng ký định mức. Đồng thời, đơn vị cung cấp nước cũng không phải quản lý sự thay đổi về số nhân khẩu trong các hộ gia đình.
Tuy nhiên, phương thức này lại bất lợi cho những gia đình đông người. Họ thường tiêu thụ nước nhiều hơn, nhưng định mức lại không thay đổi, dẫn đến chi phí nước cao hơn so với các hộ ít người. Phần lớn các gia đình đông thành viên thường có thu nhập thấp và sống chung nhiều thế hệ, do đó việc tính định mức theo nhân khẩu là hợp lý hơn. Điều này đảm bảo rằng mỗi cá nhân, bất kể số lượng thành viên trong gia đình, đều phải trả mức phí nước như nhau.
Giá nước mỗi địa phương lại khác nhau
Sau các sự việc trên, nhiều người mới bắt đầu chú ý tới giá nước sạch sinh hoạt gia đình sử dụng. Thực tế, cả nước có 63 tỉnh thành thì có 63 biểu giá nước sạch khác nhau. Khung giá và phương thức tính giá nước được Bộ Tài chính quy định. Còn các tỉnh tự quyết định biểu giá cụ thể phù hợp với điều kiện địa phương, nhưng không vượt quá khung do Bộ quy định. Các công ty cấp nước sẽ quyết định giá bán, nhưng vẫn phải nằm trong giới hạn của biểu giá tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Thiền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam và Chủ tịch Công ty CP - Tổng Công ty nước môi trường Bình Dương Biwase cho biết, sự khác biệt về giá nước sạch giữa các địa phương là do nhiều yếu tố như chi phí vật tư, nhân công, sản xuất chung và chi phí quản lý doanh nghiệp không giống nhau.
Hệ thống cấp nước hiện tại không có đường dây truyền tải nước từ Bắc vào Nam, mà chỉ hoạt động trong phạm vi dưới 100 km. Việc dẫn nước từ xa sẽ yêu cầu nâng áp nhiều lần và nguồn nước thô cũng khác nhau giữa các vùng. Ví dụ, ở miền Tây, dù nguồn nước dồi dào, chi phí dẫn nước từ sông Tiền (Đồng Tháp) để đạt tiêu chuẩn xử lý lại cao hơn so với nhiều nơi khác. Do đó, giá nguồn nước thô đầu vào có thể dao động từ 2.000 đồng/m³ đến 5.000 - 7.000 đồng/m³, tùy thuộc vào chi phí xử lý.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam nhấn mạnh, theo quy định hiện hành, giá nước phải tính đúng, tính đủ để đảm bảo lợi nhuận hợp lý cho doanh nghiệp. Nước là một loại hàng hóa đặc biệt, nên các doanh nghiệp chỉ được sản xuất tại khu vực được giao. Do đó, giá nước sạch được xác định dựa trên tình hình kinh tế - xã hội của từng địa phương. Nhà nước cần quy định khung giá, trong khi các tỉnh tự định giá cần phải có giải trình để đảm bảo tính minh bạch.
Nước là một tài nguyên quý giá và có hạn. Việc áp dụng giá nước theo định mức không chỉ điều tiết tiêu dùng mà còn đảm bảo nhu cầu nước sạch thiết yếu của người dân và khuyến khích việc tiết kiệm nước.
Ông Nguyễn Ngọc Điệp - Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam chia sẻ, hiện vẫn còn nhiều bất cập trong quy định về cấp và thoát nước. Chẳng hạn, giá nước ở nhiều địa phương chưa được tính toán đầy đủ các chi phí hoặc chưa cập nhật kịp thời các khoản chi phát sinh cho các hoạt động như cấp nước an toàn, duy trì kết nối, quản lý rủi ro và lợi nhuận. Hơn nữa, việc điều chỉnh giá nước cũng thường mất nhiều thời gian.
Các văn bản pháp lý hiện hành còn hạn chế, nhiều quy định về ưu đãi và hỗ trợ vẫn chưa được thực hiện; các quy định liên quan đến cổ phần hóa và quản lý doanh nghiệp sau cổ phần hóa cũng thiếu tính hợp lý. Bên cạnh đó, hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong ngành cấp thoát nước chưa đầy đủ và chưa được cập nhật để phù hợp với tình hình mới.
Ông Diệp nhấn mạnh, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý để các bên liên quan có thể thực hiện hiệu quả hơn.