Phở “treo” cho người lạ
Gần đây, trên phố Bảo Khánh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) xuất hiện hình thức phở “treo”. Tức là, một khách bất kỳ đến ăn có thể thanh toán thêm một hoặc nhiều bát phở khác, rồi gửi lại quán. Quán sẽ dành những bát phở này để tặng người có hoàn cảnh khó khăn. Hình thức này giống với cơm “treo” ở TP. HCM.
Sáng ngày 5/8, bà Lê Thị Thành (quê Thanh Hóa) tới số phố Bảo Khánh để ăn phở “treo”. Bà Thành rời quê ra Hà Nội mưu sinh đã 10 năm nay. Bà cho biết, hàng ngày vẫn đi bộ lên bờ hồ bán hàng rong. Mỗi tháng bà kiếm hai, ba triệu đồng. Sau khi thanh toán tiền nhà thì không còn bao nhiêu, nên bà luôn phải tiết kiệm không dám vào hàng quán để ăn.
Buổi sáng, bà chỉ dám ăn cơm nguội, mỳ tôm hoặc mua nắm xôi giá 5.000 đồng. Đây là lần thứ 3 bà đến đây để ăn phở “treo”. Bà Thành bảo, đường phố bà đi đã nhiều, nhưng đây là lần đầu thấy có phở “treo”. Bát phở được chủ quán làm ngon lắm, nhiều thịt, ăn no đến chiều.
Còn bà Nguyễn Thị Ngoạt (ở Thanh Trì, Hà Nội) mỗi ngày đều đạp xe 10km lên phố cổ làm dọn dẹp vệ sinh thời vụ. Một ngày công của bà được khoảng 50.000 - 100.000 đồng. Thế nên chỉ dám ăn bánh mì, nắm xôi cho qua bữa. Thỉnh thoảng lắm, bà mới dám tự thưởng bát phở 30.000 đồng. Do đó, khi được mời vào ăn phở "treo", bà Ngoạt tỏ vẻ nghi ngại vì sợ phở trên phố sẽ đắt tiền.
Phải tới khi được nhân viên ở đây giải thích rằng phở miễn phí bà mới dám vào. Bà Ngoạt chia sẻ, quán đông khách nhưng chủ quán vẫn sắp xếp bàn ghế, quạt mát, phòng lạnh để mời mọi người ghé ăn phở "treo". Không có bất kỳ sự phân biệt hay đối xử nào khác giữa khách đến ăn phở "treo" hay tự trả tiền. Lâu lắm, bà mới được ăn bát phở ngon đến thế.
Sẽ duy trì phở “treo” lâu dài
Chủ quán phở có mô hình từ thiện này là chị Phan Lệ. Chị Lệ cho biết, khách đến ăn phở "treo" ở mọi độ tuổi, không phân biệt ngành nghề. Tuy nhiên, chị ưu tiên người già, neo đơn, người khuyết tật, người bán hàng rong và trẻ nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Chia sẻ về ý tưởng làm phở “treo”, chị Lệ bộc bạch, một lần tình cờ xem được xem chương trình về mô hình cà phê "treo", táo "treo" tặng người khó khăn, rồi tại TP. HCM cũng xuất hiện hình thức cơm "treo", chị quyết định thực hiện tại quán phở của gia đình.
Chị bàn bạc với gia đình và nhận được sự ủng hộ rất lớn. Do là mô hình mới, chưa có nhiều người biết đến nên mỗi ngày quán tự "treo" 30 suất. Khách hàng đến ăn, muốn "treo" thêm thì sẽ bắt đầu ghi từ số 31. Nếu ngày hôm trước còn thừa suất phở "treo" thì quán sẽ cộng dồn sang ngày hôm sau.
Để mọi người hiểu rõ hơn, ngoài chữ "phở treo", chị Lệ ghi dòng chữ "Đây là một hình thức từ thiện bằng việc để lại một phần ăn cho những hoàn cảnh khó khăn hơn trong cộng đồng mà vẫn ủng hộ quán ăn địa phương". Thế nhưng những ngày đầu mới treo biển, không có khách đến ăn. Chị Lệ và nhân viên hễ thấy người bán hàng rong, người già lại mời vào. Đến nay, đã có nhiều người khó khăn biết đến phở “treo” của quán chị.
Chị Lệ bộc bạch, bớt hay thêm vài bát phở cũng không thể giàu lên hay nghèo đi nên chị sẽ duy trì hình thức này lâu dài. Chị cũng hi vọng hình thức này được nhân rộng để giúp đỡ phần nào những người khó khăn.