Hà Nội: Cảnh báo nguy cơ ngập lụt sau bão Yagi

Lượng mưa tăng cao do ảnh hưởng của siêu bão Yagi khiến mực nước trên nhiều tuyến sông thuộc địa bàn Hà Nội lên cao, vượt mức báo động. Nhiều chuyên gia cảnh bảo, nguy cơ ngập lụt tái diễn tại nhiều làng, xã nằm ven sông Tích, sông Bùi như đợt cuối tháng 7 vừa qua.

Căn cứ vào mực nước sông Tích tại trạm thủy văn Kim Quan hồi 2h50 ngày 8/9 là 7,14m (mực nước báo động 1 là 6,80m), Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội đã có lệnh báo động 1 trên sông Tích tại địa phận các xã ven đê thuộc huyện Phúc Thọ, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây.

Hồi 6 giờ sáng 8/9, mực nước sông Bùi tại trạm thuỷ văn Yên Duyệt (huyện Chương Mỹ) ở mức 6m, tương ứng với mực nước báo động lũ cấp I theo quy định.

ngap-lut-1-1725777341.jpeg
Nước sông Bùi đang có xu hướng dâng nhanh

Trong khi đó, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, mực nước sông Bùi và sông Tích đang có xu hướng dâng nhanh. Dự báo từ ngày 8 đến 10/9, trên hai con sông này sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ dao động từ 1,5 - 2,5m.

Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên sông Bùi và sông Tích có thể đạt mức báo động 2 đến báo động 3. Lũ lên cao có thể dẫn đến tình trạng ngập lụt và sạt lở đất tại các khu vực ven sông, đồng thời gây nguy cơ mất an toàn cho hệ thống đê điều tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, và Thạch Thất.

Ngoài ra, lũ dâng cao trên sông Bùi và sông Tích có khả năng gây ngập úng diện rộng ở các vùng ven sông và vùng trũng thấp. Tình trạng ngập lụt kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cũng như đời sống của cư dân ven sông. Nguy cơ này đe dọa tính mạng, tài sản của người dân tại một số địa phương thuộc các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, và Thạch Thất.

Trước đó, vào cuối tháng 7, nước tràn qua đê khiến nhiều làng, xã nằm ven sông Tích, sông Bùi thuộc các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai của Hà Nội bị ngập nhà cửa, ruộng vườn, đường xá giao thông bị chia cắt. Thậm chí có những thôn, làng bị nước lũ chia cắt như trở thành "ốc đảo" trong nhiều ngày.

ngap-lut-1725777341.jpg
Nước tràn qua đê gây ra tình trạng ngập lụt đợt cuối tháng 7 vừa qua (Ảnh: Hoàng Phong/VnEpress)

Thông tin cảnh báo lũ lụt được đưa ra, Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ) Lê Hoài Thi cho biết, địa phương hiện đang tập trung triển khai các nhiệm vụ khi có báo động lũ. Theo đó, địa phương đã rà soát để lên phương án sơ tán, di dời người dân tại những vùng trũng, thấp và khu vực ven sông Bùi.

Ông Trần Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý nước và công trình (Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Đáy) thông tin, đơn vị đang tiếp tục chỉ đạo các xí nghiệp vận hành 3 trạm bơm với tổng số 10 tổ máy, công suất 22.200m3/giờ để tập trung tiêu thoát nước tại các khu vực trũng, thấp.

Theo thống kê của Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, hiện nay đang có 24 trạm bơm được 4 doanh nghiệp thuỷ lợi của Hà Nội vận hành. Công tác ứng trực đang được các đơn vị thực hiện nghiêm túc nhằm ứng phó chủ động, kịp thời trước nguy cơ ngập úng tại các khu vực ven sông.

Để hạn chế thiệt hại do ngập lụt tái diễn trong trường hợp mưa kéo dài, ông Nguyễn Xuân Đại - Phó trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội đề nghị các địa phương thuộc vùng trũng, thấp nếu xảy ra tình trạng ngập lụt thì cần tập trung triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời, thực hiện các chính sách cứu trợ, hỗ trợ đời sống nhân dân trên địa bàn theo đúng quy định…

Về lâu dài, các sở, ngành, địa phương cần rà soát, nghiên cứu giải pháp sắp xếp lại dân cư ở những khu vực ngập úng khó khắc phục; triển khai phương án bố trí tái định cư để di dân, di dời nhà cửa, công trình đến khu vực cao không bị ngập lụt.