Hà Nội: Chi phí cho thuê mặt bằng đắt đỏ gây áp lực lên kinh doanh

Theo báo cáo thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng, nhu cầu thuê với mặt bằng bán lẻ nhà phố trong quý 2/2023 có xu hướng giảm. Tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài đến quý 3.

Trước đó, vào ngày 19/9, theo như ghi nhận của PV Lao Động, nhiều mặt bằng ở các tuyến phố trung tâm và sầm uất tại TP Hà Nội như Hàng Đào, Mã Mây và Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) dù treo biển đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa thể tìm được người thuê. 

Theo chị Thu - chủ của một cửa hàng kinh doanh thời trang ở trên phố Hàng Đào cho biết, cửa hàng mà chị đang thuê có giá 45 triệu đồng/tháng. Cửa hàng này có diện tích 50m2, nằm ở vị trí khá đẹp. Chị Thu cho biết, lượng khách du lịch cùng nhu cầu mua sắm của người dân đã dần phục hồi trong những tháng qua. Tuy nhiên, giá thuê nhà ở đây đang ở mức quá cao, vượt quá sức chịu đựng của những người kinh doanh.

Nhiều mặt bằng ở các tuyến phố trung tâm và sầm uất tại TP Hà Nội như Hàng Đào, Mã Mây và Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) dù treo biển đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa thể tìm được người thuê. Ảnh: Lao Động

Thực tế, những người kinh doanh như chị Thu chỉ mong sao tháng này hòa vốn, không phải bù lỗ để có thể chuyển mặt bằng đi nơi khác.

Đồng cảnh ngộ, anh Kiên - chủ một quán ăn trên đường Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy) chia sẻ, dù anh đã cắt giảm tối đa chi phí vận hành và nhân viên, nhưng giá thuê mặt bằng hàng tháng vẫn ăn mòn hết lợi nhuận của cửa hàng. Suốt một thời gian dài, giá thuê mặt bằng hàng tháng vẫn ở mức 20 triệu đồng, không hề thay đổi. Cũng theo anh Kiên, không ít cửa hàng kinh doanh thời trang, dịch vụ, ăn uống… trên tuyến phố này đã phải bù lỗ từ đầu năm cho đến nay. Nguyên nhân bởi, giá thuê mặt bằng quá cao so với mức chịu đựng, thu không đủ chi. 

Trước đó, cũng theo báo cáo thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng, nhu cầu thuê với mặt bằng bán lẻ nhà phố trong quý 2/2023 có xu hướng giảm. Xuất hiện nhiều hiện tượng trả lại mặt bằng cho thuê với những loại hình mặt bằng bán lẻ nhà phố ở những vị trí trung tâm của các thành phố lớn, điển hình như Hà Nội và TP HCM. Nguyên nhân là do tình hình kinh doanh ảm đạm, chi phí mặt bằng tăng cao. 

Cụ thể, tại báo cáo thị trường bất động sản quý 2, Bộ Xây dựng chỉ rõ: “Nếu nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh quý 2/2023 so cùng kỳ năm trước tại trung tâm thương mại cơ bản ổn định, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ nhà phố lại có xu hướng giảm, đồng thời xuất hiện trở lại hiện tượng trả mặt bằng cho thuê đối với loại hình mặt bằng bán lẻ nhà phố ngay những vị trí trung tâm thành phố”.

Chia sẻ thêm về hiện trạng này, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội, lưu ý rằng, cho đến nay vẫn còn tồn tại một tỷ lệ nhất định về mặt bằng khối đế và nhà phố không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng về tiêu chuẩn thiết kế cũng như công năng sử dụng. Chưa kể, nhiều khách thuê hậu Covid-19 đã hạn chế việc mở rộng mặt bằng. Do đó, những mặt bằng nào không đáp ứng đủ tiêu chuẩn sẽ nhanh chóng bị loại ra khỏi danh sách. 

Cho đến nay vẫn còn tồn tại một tỷ lệ nhất định về mặt bằng khối đế và nhà phố không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng về tiêu chuẩn thiết kế cũng như công năng sử dụng. Ảnh minh họa: Lao Động

Bộ Xây dựng bổ sung, xét trên địa bàn cả nước, mặt bằng thương mại trong quý 2/2023 không ghi nhận dự án trung tâm thương mại hay siêu thị lớn nào khai trương hay đi vào hoạt động. Ngoài ra, nguồn cung mặt bằng thương mại mới vẫn còn bị hạn chế. Nguồn cung này chủ yếu được bổ sung từ một số sàn thương mại của những tòa nhà hỗn hợp, song số lượng cũng không nhiều.

Nên đưa giá thuê về đúng giá trị thực

Một giám đốc công ty chuyên bất động sản cho thuê tại khu vực Hà Nội thừa nhận, mặt bằng và nhà cho thuê trong thời gian tới vẫn tiếp tục gặp khó nếu các chủ nhà vẫn neo giá cao; trong khi nhiều doanh nghiệp và khách thuê đều đang gặp khó khăn về vấn đề tài chính. Ngoài ra, các tòa nhà và trung tâm thương mại ngày càng phát triển và đầu tư bài bản đã khiến mặt bằng nhà phố trung tâm dần giảm sức hút. Nếu vẫn duy trì mức giá cho thuê cao, nhiều hạn chế trong vận hành còn tồn tại, tiện ích đỗ xe cho khách đến mua sắm không có, những mặt bằng trung tâm sẽ ngày càng bị “xa lánh”.

Cũng theo vị giám đốc này, trước hết các chủ mặt bằng, đặc biệt là nhà phố cần phải thay đổi để thích nghi với nhu cầu. Tốt nhất nên đưa giá thuê nhà về đúng giá trị thực; không nên đua nhau tăng giá một cách bất chấp, gây khó dễ cho doanh nghiệp và người thuê. Ngoài ra, hạ tầng cho thuê cũng phải đảm bảo mặt bằng có đầy đủ công năng sử dụng kinh doanh, quy định phòng cháy chữa cháy, điện nước, internet, chỗ đỗ xe thuận tiện…

Thị trường đang ghi nhận thực trạng một lượng lớn mặt bằng kinh doanh ở những tuyến phố lớn vẫn bỏ trống vì giá chào thuê quá cao. Ảnh: Vneconomy

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, nhiều cửa hàng đã trả mặt bằng và tạm dừng kinh doanh sau dịch Covid-19. Thực tế cũng cho thấy, thị trường đang ghi nhận thực trạng một lượng lớn mặt bằng kinh doanh ở những tuyến phố lớn vẫn bỏ trống vì giá chào thuê quá cao. Điều đáng nói, tình trạng này xảy ra trong bối cảnh nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ nhà mặt phố, đặc biệt là mặt bằng bán lẻ đắc địa trên tuyến phố lớn, khối đế chung cư và trung tâm thương mại tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM vẫn đang tăng cao.

Nói về tình trạng một số mặt bằng sở hữu vị trí đẹp tại trung tâm Hà Nội vẫn đang bỏ trống, không ai thuê, ông Đính cho rằng, hiện tượng này không phải số nhiều bởi đây là khu vực “đất vàng” của Thủ đô, có giá thuê rất đắt đỏ, hoặc cũng có thể là chủ cho thuê vẫn cố giữ mức giá cao, vượt quá tài chính người thuê.