Mới đây, trên mạng xã hội lại xuất hiện clip người bán hàng rong “chặt chém” du khách tại phố đi bộ hồ Gươm (Hà Nội). Theo đó, người bán hàng rong báo với khách Tây 200.000 đồng cho 1kg quả roi, sau đó cân 2 quả, rồi nói 40.000 đồng/2 lạng. Nam du khách trả giá xuống còn 30.000 đồng. Người bán hàng tỏ ra miễn cưỡng nhưng vẫn nhận tiền.
Đoạn video khiến nhiều người bức xúc. Mội số người cho rằng, mức giá trên quá cao so với giá trị thực của quả roi. Tuy nhiên, nhiều người lại đặt nghi vấn về tính chân thực bởi người bán hàng biết khách đang quay phim nhưng vẫn bán với giá cao. Thêm nữa, vị khách Tây nói tiếng Việt khá rõ ràng và trang TikTok của người này thường xuyên đăng tải các video trải nghiệm ẩm thực đường phố Việt Nam.
Hiện vụ việc đang được Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) xác minh. Dù kết quả là chuyện có thật hay tạo dựng thì khi clip này lan truyền trên mạng cũng làm xấu đi hình ảnh du lịch Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung.
Thời gian qua, Hà Nội luôn chủ trương xây dựng, phát triển văn hóa, người Hà Nội thanh lịch, văn minh, khẳng định hình ảnh một thành phố du lịch uy tín, là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Do đó, cơ quan chức năng đã mạnh tay xử lý hành vi “chặt chém” du khách, chèo kéo du khách.
Như tại Hoàn Kiếm, công an quận này cho biết, mới đây đơn vị đã mời một tài xế taxi tới làm việc. Người này liên quan đến vụ việc du khách người Pháp tố bị “chặt chém” 500.000 đồng cho quãng đường hơn 100m và đòi thêm 500.000 đồng mới trả lại tài sản bỏ quên trên xe. Sau đó công xác nhận, lái xe taxi này đã hoạt động không đúng quy định.
Trước đó, vào tháng 3/2024, UBND phường Bưởi (quận Tây Hồ) đã xử phạt hành chính với người có ý định bán túi táo nhỏ cho du khách nước ngoài với giá 200.000 đồng. UBND phường Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) cũng xử phạt 1 người bán hàng rong hét giá 50.000 đồng cho 4 bánh rán... Những vụ việc này sau đó đã bị các cơ quan chức năng nghiêm khắc xử lý và tuyên truyền, nhắc nhở nhưng vẫn trở thành vấn nạn, nhất là khi xảy ra với tần suất liên tục.
Để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng “chặt chém” du khách, theo Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam Phạm Hải Quỳnh, chính quyền địa phương cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn với hoạt động của người bán hàng rong. Song song, tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, hệ thống camera giám sát tại các khu vực du lịch cần được bổ sung và nâng cấp. Ngoài đảm bảo an toàn cho du khách, camera giám sát còn ghi lại được hình ảnh vi phạm của người bán hàng rong, từ đó truy xuất, xử lý triệt để.
PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá, hình thức buôn bán hàng rong diễn ra khá nhiều ở Việt Nam nên việc kiểm soát giá cả còn khó khăn. Nếu hiện tượng chèo kéo, “chặt chém” du khách không được xử lý dứt điểm thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường du lịch Thủ đô, đặc biệt trong thời đại công nghệ số hiện nay việc lan truyền thông tin, hình ảnh rất nhanh và dễ dàng.
Là địa bàn tập trung nhiều điểm du lịch và khách quốc tế, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cho hay, thời gian tới, Hoàn Kiếm sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bán hàng, chèo kéo khách.
Thống kê của Sở Du lịch TP. Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 14,05 triệu lượt, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023.