“Những người ôm giấc mơ” lần 2 vừa được Apple khởi động từ ngày 9/8, nhằm giới thiệu các nhà sáng tạo, nhà phát triển và nghệ sĩ xuất sắc nhất trong khu vực Đông Nam Á. Dự án đặc biệt tập trung quanh những nhân vật có dấu ấn, tầm nhìn độc đáo, được lan tỏa thông qua các nội dung được phát hành trên nền tảng của Apple bao gồm App Store, Apple Music và Apple TV.
Với việc vượt qua các ứng viên sáng giá khác, game Việt mang tên DreamChaser (Chạy Trốn Phồn Hoa) đã xuất sắc được Apple lựa chọn để truyền cảm hứng cho những ai đang bắt đầu hiện thực hóa ước mơ của mình.
Theo đó, khi truy cập danh mục “Dám ước mơ” trên kho phần mềm App Store, người dùng có thể dễ dàng nhận thấy một ứng dụng Việt mang tên DreamChaser (Chạy trốn phồn hoa) với câu chuyện đặc biệt ấn tượng, bên cạnh một số ít các ứng dụng khác được những người “dám biến ước mơ thành hiện thực” được Apple tôn vinh. Nhà phát triển game DreamChaser là Phúc Phạm (Phạm Duy Phúc) và Trần Tuấn Hiệp.
DreameChaser thuộc thể loại game chạy vô tận (endless runner) theo phong cách Việt Nam. Game được giới thiệu: “Viết về cuộc rời bỏ chốn phồn hoa, kinh thành áp lực để trở về với chốn bình yên, tìm thấy sự tự do của nhân vật chính, đó cũng là tượng trưng cho khát vọng của con người, rời bỏ công việc ràng buộc để tìm lại tự do trong đời sống hiện tại”.
Về yếu tố “thuần Việt”, game lấy cảm hứng, bối cảnh từ triều Nguyễn – Triều đại cuối cùng của Việt Nam với các yếu tố truyền thống thuần Việt từ lịch sử, trạng phục…
Được biết, Trần Tuấn Hiệp (2001, Pixel/2D Artist) và Phạm Duy Phúc (1999, Game Developer) là hai trong những gương mặt trẻ tài năng thuộc lĩnh vực lập trình game của cộng đồng game Việt hiện nay. Cả hai đều đã có hành trình dài, quyết liệt theo đuổi đam mê lập trình game để có thể gặt hái được những thành công ban đầu trên hành trình sự nghiệp đang rất rộng mở của mình.
Nói về ước mơ của mình, Phúc Phạm cho biết: “Ước mơ của tôi là có studio game của mình, có khoảng 10 thành viên, chỉ tập trung làm game”. Nhà phát triển game này chia sẻ thêm về hành trình của mình khi phải bỏ đại học để theo đuổi công nghệ làm game chuyên nghiệp. Anh vừa làm việc toàn thời gian vừa phát triển DreamChaser, đồng thời cũng phát triển kênh YouTube của riêng mình để chia sẻ hành trình làm game với 30.000 người đăng ký.
“Sau khi đăng tải video về DreamChaser lên YouTube, lượng người chơi lập tức tăng vọt. Tôi có chút choáng ngợp khi phải xử lý nhưng vẫn rất vui và hào hứng. Sự yêu thích của mọi người, tạo ra các nội dung về game thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời đối với tôi”, Phúc Phạm cho biết.
Còn đối với Trần Tuấn Hiệp, khó khăn lớn nhất mà Hiệp đối mặt trong quá trình làm game là khoảng thời gian tìm cho mình người đồng đội có chung chí hướng: “Trước khi gặp Phúc, mình từng trải qua nhiều tháng trời ròng rã tìm bạn đồng hành. Có bạn muốn làm nhưng không sắp xếp được thời gian, còn bạn khác sau một thời gian đồng hành lại không chung chí hướng nên dự án cũng phải đành xếp xó”.
Cơ duyên gặp mặt, sự ăn ý trong cách làm việc đã giúp bộ đôi phát triển dự án Chạy Trốn Phồn Hoa chỉ trong khoảng thời gian 3 tháng. Hiện tại, mục tiêu của Phúc và Hiệp là sẽ tiếp tục hoàn thiện DreamChaser, đưa game phát triển xa hơn nữa song song việc thực hiện các dự án của riêng mình.