Hiểm hoạ những chiếc xe “độ” của “quái xế” tuổi thiếu niên

Một kỹ sư về xe máy nhấn mạnh, chất lượng xe sau khi “độ” thường không được kiểm soát chặt chẽ. Ví dụ, việc thay ống xả nếu không đúng kỹ thuật có thể làm giảm khả năng chống nhiệt, gây nguy cơ bỏng cho người khác nếu xảy ra va chạm. Đặc biệt, việc “độ” các bộ phận như nồi, phuộc để tăng tốc độ có thể làm thay đổi kết cấu nguyên bản của xe, gây mất an toàn trong quá trình sử dụng.

Biết rành mạch về giá cả và phụ kiện “độ” xe

Sau vụ việc cô gái bị nhóm "quái xế" tông gây tử vong tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), dư luận lại “nóng” việc giao xe cho thanh thiếu niên chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện. Không chỉ là vấn đề chưa đủ tuổi và chưa có bằng, để tham gia vào các đoàn đua, nhiều “quái xế” tuổi thiếu niên đã mang xe đi “độ” nhằm tăng tốc độ.

do-xe-2-1731890396.jpg
Hầu hết những chiếc xe đua của các "quái xế" đều được "độ" để đạt được tốc độ cao

Đặc biệt, nhiều thanh niên ở độ tuổi 15-16 có thể kể vanh vách về các phụ kiện xe, nơi “độ” xe và giá cả của từng bộ phận. Nguyễn Văn Hùng - học sinh một Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên ở Hà Nội cho biết, em được bố mẹ giao cho chiếc xe máy để đi học và chở hàng cho mẹ.

Tuy nhiên, Hùng đã lén mang xe đi “độ” với các bộ phận như đèn neon siêu sáng, đèn gầm trang trí, thay ống xả và cải tiến máy móc để tăng tốc độ. Chiếc xe ban đầu chỉ có 110 phân khối, nhưng sau khi “độ”, Hùng đã biến nó thành xe 175 phân khối.

Tương tự, Lê Quang Huy - học sinh một trường trung học phổ thông ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) rất thành thạo trong việc nói về các kỹ thuật “độ” xe dù mới chỉ 16 tuổi. Huy cho hay, những thanh niên đam mê tốc độ thường tìm đến các lò “độ” xe để nâng cấp xe từ 100 phân khối lên 200 phân khối, thậm chí là 250 phân khối, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng tài chính.

Các bộ phận hay được “độ” là nồi (bộ ly hợp) để tăng tốc và tiết kiệm nhiên liệu. Mức giá cho việc độ xe dao động từ 3 đến 5 triệu đồng cho những chiếc xe dưới 150 phân khối và từ 7 đến 20 triệu đồng cho những chiếc xe có phân khối lớn hơn. Đặc biệt, việc “độ” những bộ phận như lòng 250 phân khối, cam, nồi 3 càng, IC và các phụ tùng khác có thể lên tới hơn 17 triệu đồng.

Chia sẻ về vấn đề này, anh N.M.P- một thợ chuyên độ xe tại quận Thanh Xuân cho biết, có hai kiểu “độ” xe chính. Thứ nhất là thay đổi ngoại thất như dán xe, lắp thêm đèn LED để tạo dáng vẻ mới cho xe. Thứ hai là cải biến nội thất, chủ yếu là bổ sung các bộ phận như máy móc, nồi, phuộc, nâng cấp ống xả...

Theo anh P., giới trẻ hiện nay đặc biệt ưa chuộng việc “độ” nội thất để tăng tốc độ. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi tay nghề cao từ người thợ, vì phải thay đổi hoàn toàn các chi tiết nguyên bản của xe. Nếu không cẩn thận, việc “độ” không đúng kỹ thuật có thể dẫn đến sai sót và ảnh hưởng đến chất lượng vận hành của xe.

do-xe-1-1731890328.jpg
Chiếc xe máy đã "độ" thay đổi kết cấu và pô (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Không được tự ý thay đổi thiết kế ban đầu của xe

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với trên Báo Lao Động, tiến sĩ Nguyễn Lâm Khánh - Khoa Cơ khí Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, theo nguyên tắc, người sử dụng xe cần phải tuân thủ thiết kế ban đầu của nhà sản xuất. Nếu muốn "độ" xe để tăng dung tích xi lanh và cải thiện sức kéo, cần phải gia cố các bộ phận như khung xe và nhông xích. Bởi khi tăng tốc, số vòng quay của động cơ lớn hơn, quán tính cũng lớn hơn, nếu không đảm bảo kỹ thuật sẽ dẫn đến nguy cơ xe bị văng hoặc trượt khi phanh.

Hiện nay, nhiều thanh thiếu niên vẫn tự ý "độ" xe để tham gia đua xe trái phép mà không tuân thủ bất kỳ quy chuẩn nào, thậm chí một số người còn tăng dung tích xi lanh lên gần gấp đôi so với xe nguyên bản, điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về an toàn.

Trong khi đó, một kỹ sư về xe máy cũng nhấn mạnh, chất lượng xe sau khi “độ” thường không được kiểm soát chặt chẽ. Nhiều người khi “độ” xe chỉ chú trọng đến các yếu tố như âm thanh (nâng ống xả) hay thẩm mỹ (lắp đèn LED) mà ít khi quan tâm đến vấn đề an toàn. Ví dụ, việc thay ống xả nếu không đúng kỹ thuật có thể làm giảm khả năng chống nhiệt, gây nguy cơ bỏng cho người khác nếu xảy ra va chạm.

Hơn nữa, việc thay đổi hệ thống dây điện hoặc sử dụng bóng đèn không đảm bảo chất lượng có thể dẫn đến chập cháy do quá tải. Đặc biệt, việc “độ” các bộ phận như nồi, phuộc để tăng tốc độ có thể làm thay đổi kết cấu nguyên bản của xe, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong quá trình sử dụng.

Pháp luật Việt Nam hiện hành không cho phép chủ xe tự ý thay đổi thiết kế ban đầu của xe mà nhà sản xuất đã quy định. Cụ thể, Khoản 2, Điều 55, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nêu rõ: Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Do đó, hành vi thay đổi kết cấu xe so với thiết kế ban đầu của nhà sản xuất là trái pháp luật. Thậm chí, việc thay đổi màu sơn xe, dù tem xe vẫn giữ nguyên tên và hãng sản xuất, cũng có thể bị xử lý do không phù hợp với giấy đăng ký xe.

Việc "độ" xe ngày càng phổ biến đang gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Thực tế, đã có không ít trường hợp, sau khi gây tai nạn hoặc vi phạm pháp luật, các chủ xe tìm đến các cơ sở "độ" xe để thay đổi thiết kế, màu sắc, hoặc gắn biển số giả nhằm trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Chính vì vậy, lực lượng chức năng, đặc biệt là cảnh sát giao thông, cần phải tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các xe vi phạm, ngăn chặn tình trạng "độ" xe và những hành vi liên quan để đảm bảo an toàn giao thông và trật tự xã hội.