Tài xế "độ" đèn ô tô như “sân khấu di động” đang gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông

Đèn led bar khi bật sẽ có ánh sáng trải rộng với cường độ sáng cao, không có độ chụm sáng vào một điểm nhất định. Nếu chiếu thẳng vào mắt của người đối diện sẽ khiến họ bị mù sáng tạm thời trong một thời gian nhất định, dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông, với hậu quả khôn lường.

Sáng 28/5, đại diện Phòng CSGT (PC08) Công an TP. HCM cho biết, Đội CSGT An Sương đã xác minh được chủ xe, tài xế trong vụ ô tô "độ" đèn như "sân khấu di động". Cơ quan chức năng đã mời người này đến trụ sở để làm việc.

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip dài 21 giây ghi lại hình ảnh một chiếc ô tô con màu trắng độ đèn di chuyển chậm trên đường. Chiếc xe vừa đi vừa chớp đèn liên tục với 2 màu trắng - vàng, giống như ánh đèn sân khấu, lóa vào cả camera đang quay. Hình ảnh trong clip cho thấy, chiếc xe mang biển số 51K-870.87 đăng ký tại TP. HCM.

do-den-2-1716886712.jpg
Dàn đèn trên xe ô tô chớp nháy liên tục (Ảnh cắt từ clip)

Sau đó, Phòng CSGT TP. HCM xác định clip được ghi lại trên Quốc lộ 22, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn - thuộc địa bàn Đội CSGT An Sương đảm trách. Chủ xe cũng nhanh chóng được cơ quan công an xác định là anh Đ.V.H (37 tuổi, ngụ huyện Củ Chi).

Làm việc với cơ quan chức năng, anh Đ.V.H thừa nhận đã tự đặt mua và lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng lên phía trước xe ô tô để trang trí cho xe, không sử dụng hệ thống đèn này lưu thông trên đường. Khoảng 16h ngày 15/5/2024, anh Đ.V.H giao xe ô tô trên cho anh N.M.V (30 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) lái. Đến 19h cùng ngày, anh V. trả lại xe cho anh H.

Cơ quan chức năng tiếp tục mời anh V. đến trụ sở để làm việc. Anh V. xác nhận có mượn xe của anh H. Sau khi giải quyết xong chuyện cá nhân, trên đường về trả xe, anh V. thấy trong xe có bộ điều khiển đèn chiếu sáng nên đã bật thử. Sau khi bật lên thấy đèn quá sáng và nhấp nháy liên tục, anh V. đã tắt.

Anh V. cho biết việc mở đèn là xuất phát từ hành vi vô ý, việc bị người đi đường ghi hình và phát tán trên các trang mạng xã hội là ngoài ý muốn của anh.

Từ những căn cứ có được, Đội CSGT An Sương xác định anh N.M.V là người điều khiển xe ô tô vi phạm nên đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ về hành vi "Điều khiển xe ô tô lắp thêm đèn phía trước". Với hành vi này, anh N.M.V bị phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng, đồng thời bị tước bằng lái từ 1 - 3 tháng.

do-den-1-1716886712.jpg
Lực lượng chức năng làm việc với tài xế vi phạm (Ảnh: PC08)

Sau khi lập biên bản, tuyên truyền, Đội CSGT An Sương đã kiểm tra xe ô tô trên để xác định vị trí đèn chiếu sáng được lắp thêm nhằm buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu. Tuy nhiên qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hệ thống đèn chiếu sáng được lắp thêm đã tháo gỡ.

Anh Đ.V.H cho biết, sau khi thấy clip đăng trên các trang mạng xã hội, biết mình gắn thêm đèn chiếu sáng là sai nên đã chủ động tháo gỡ. Anh cũng đã cam kết với cơ quan chức năng sẽ không thực hiện hành vi trên trong thời gian tới.

Nói về tác động nguy hiểm khi tự ý thay đổi, sử dụng đèn chiếu sáng phía trước của ô tô có cường độ lớn sai quy định, lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cho biết, chủ xe tuyệt đối không nên lắp thêm 2 loại đèn là xenon và led bar, đặc biệt ở phía trước đầu xe, gần vị trí lắp đèn pha, cốt.

Bởi đèn xenon có cường độ sáng gấp từ 5 - 6 lần so với đèn pha bình thường, khi bật lên, dải đèn này phát ra ánh sáng trắng gây lóa mắt người đối diện. Trong khi đó, đèn led bar là một thanh hình trụ được gắn lên các mắt led (diot led), có chức năng trợ sáng cho các phương tiện vào ban đêm.

Đèn led bar khi bật sẽ có ánh sáng trải rộng với cường độ sáng rất cao, không có độ chụm sáng vào một điểm nhất định. Nếu chiếu thẳng vào mắt của người đối diện sẽ khiến họ bị mù sáng tạm thời trong một thời gian nhất định. Việc mắt bị mù, lóa trong vài giây sẽ khiến các tài xế không thể quan sát khi lái xe, dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông rất lớn với hậu quả khôn lường.

Cũng theo vị lãnh đạo trung tâm đăng kiểm, nguồn điện của các loại đèn này thường không tương thích với xe chính hãng, nên khi lắp đặt sẽ ảnh hưởng đến dòng điện sạc của ắc-quy, làm tăng nguy cơ cháy nổ ắc-quy, IC. Bên cạnh đó, cường độ phát sáng rất lớn, dẫn đến lượng tỏa nhiệt cũng cực kỳ lớn nên có thể gây chập cháy hệ thống dây điện trên xe, thậm chí có thể gây cháy xe.

Từ đó, các trung tâm đăng kiểm khuyến cáo, nếu đèn xe không đủ sáng hoặc bị hỏng, chủ phương tiện nên đến các cơ sở chính hãng, uy tín để mua loại đèn được sản xuất phù hợp với mỗi dòng xe (theo nguyên thủy của nhà sản xuất).

Anh Phạm Quang Huy - kỹ thuật viên của hãng Mitsubishi phân tích cũng cho hay, việc lắp thêm đèn trợ sáng cho ô tô gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông vì lượng sáng rất mạnh, gây chói mắt người đối diện. Ngoài ra, trên thị trường có rất nhiều loại đèn có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, chất lượng thấp khi sử dụng một thời gian có hiện tượng nước vào gây hư hỏng, mất an toàn cho xe.