Hiểu đúng về dạy thêm, học thêm để không bối rối khi thực hiện

Ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở Giáo dục Đào tạo TP. HCM khẳng định, giáo viên vẫn được phép dạy thêm nhưng phải thực hiện tại những cơ sở đã đăng ký kinh doanh theo quy định. Việc dạy kèm 2 - 3 học sinh hay dạy nhóm nhỏ không được coi là ngoại lệ, vẫn phải tuân theo quy định về dạy thêm.

Nỗi lo của sinh viên làm gia sư

Vào hôm nay, ngày 14/2, Thông tư 29 của Bộ Giáo dục Đào tạo về dạy thêm học thêm chính thức có hiệu lực. Các tỉnh thành trên cả nước đều cam kết thực hiện nghiêm túc thông tư mới này.

Tuy nhiên, không ít người thắc mắc vậy nghề gia sư - công việc có rất nhiều sinh viên đang làm có chịu sự tác động bởi các quy định tại Thông tư 29?

day-them-hoc-them-1739535031.jpg
Thông tư 29 của Bộ Giáo dục Đào tạo về dạy thêm học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2

Trước hết, cần làm rõ vấn đề: việc gia sư tại nhà có phải là hoạt động “dạy thêm, học thêm” theo quy định của Thông tư 29? Theo luật sư, TS. Nguyễn Thành Tô, khái niệm "dạy thêm, học thêm" được quy định rõ tại Điều 2 của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Cụ thể, dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học bổ sung ngoài thời gian quy định trong kế hoạch giáo dục đối với các môn học thuộc chương trình giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Hoạt động gia sư tại nhà thực chất là một hình thức dạy bổ trợ cho học sinh ngoài chương trình chính khóa tại các cơ sở giáo dục công lập hoặc tư thục. Vì vậy, gia sư tại nhà vẫn được xem là một phần của "dạy thêm, học thêm".

Trong khi đó, luật sư Võ Công Hạnh - Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm, theo quy định trong thông tư mới, sinh viên dạy kèm (gia sư) hay giáo viên về hưu dạy thêm đều được xem là người dạy thêm.

Những đối tượng này nếu muốn dạy thêm cần lưu ý không được tổ chức dạy thêm cho học sinh tiểu học. Việc mở các lớp học bồi dưỡng kiến thức cho học sinh tiểu học là không được phép, trừ khi đó là các hoạt động liên quan đến bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, và phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định.

Minh Anh - sinh viên năm cuối tại Hà Nội, đã có hơn 3 năm kinh nghiệm dạy gia sư chia sẻ, cô khá bất ngờ khi nghe về quy định mới này. Đây là lần đầu tiên cô biết đến thông tin này. Hiện tại, cô vẫn đang dạy một số lớp cho học sinh tiểu học, nhưng trung tâm không thông báo gì về việc triển khai Thông tư mới này.

Còn Nguyễn Thị Minh Thư - sinh viên năm 3 tại Hà Nội cho hay, cô biết dạy thêm có thể bị cấm, nhưng không nghĩ gia sư cho học sinh tiểu học cũng nằm trong phạm vi bị cấm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến cô, vì gia sư là nguồn thu nhập chính và công việc thực tập của cô.

Trung tâm giới thiệu việc làm cho cô chỉ là nơi cung cấp thông tin ban đầu, nhưng không chịu trách nhiệm sau đó nên không thông báo gì. Trang bộc bạch, hiện tại cô khá hoang mang và không biết phải xử lý thế nào.

Nguyễn Thị Thu Trang - sinh viên ngành công nghệ thực phẩm tại một trường đại học ở TP.HCM cho biết, cô bắt đầu công việc gia sư từ cuối năm nhất với mục tiêu kiếm thêm thu nhập và cải thiện kỹ năng xã hội. Hiện tại, Trang chủ yếu dạy toán cho học sinh cấp 2 và cấp 3.

Về Thông tư 29, Trang chia sẻ bản thân chưa tìm hiểu kỹ nhưng có nắm được thông tin cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học. Đồng thời, cô cho biết, mình không quá lo lắng vì chỉ dạy kèm cho vài học sinh, nên không nghĩ sẽ bị ảnh hưởng.

day-them-hoc-them-1-1739535031.jpg
Giáo viên vẫn được phép dạy thêm nhưng phải thực hiện tại những cơ sở đã đăng ký kinh doanh

Dạy kèm 2 - 3 học sinh cũng không được coi là ngoại lệ

Không chỉ sinh viên, một số giáo viên đã bày tỏ thắc mắc nếu họ không tham gia dạy thêm hay đăng ký dạy thêm tại bất kỳ trung tâm nào mà chỉ nhận dạy kèm cho một vài học sinh (không quá 5 học sinh) từ người thân thì có được phép không?

Vấn đề này, ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở Giáo dục Đào tạo TP. HCM khẳng định, Thông tư 29 không cấm việc dạy thêm, học thêm mà chỉ yêu cầu hoạt động này phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật và đúng quy định. Việc học thêm để phát triển và học tập suốt đời là điều cần thiết, nhưng phải thực hiện trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện.

Giáo viên vẫn được phép dạy thêm nhưng phải thực hiện tại những cơ sở đã đăng ký kinh doanh theo quy định. Việc dạy kèm 2 - 3 học sinh hay dạy nhóm nhỏ không được coi là ngoại lệ và vẫn phải tuân theo quy định về dạy thêm. Nếu dạy thêm ngoài trường học, giáo viên phải thực hiện đúng các quy định pháp lý.

Theo Thông tư 29, giáo viên ở trường công lập không được phép tham gia quản lý hay điều hành việc dạy thêm ngoài trường. Thông tư yêu cầu giáo viên dạy thêm phải được thực hiện tại các cơ sở đã đăng ký kinh doanh hợp pháp, như trung tâm dạy thêm hay hộ kinh doanh được cấp phép bởi Sở Kế hoạch đầu tư hoặc UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện.

Nếu giáo viên có cơ sở vật chất riêng, đủ điều kiện cho cá nhân, tổ chức thuê để tổ chức dạy thêm học thêm, họ vẫn có thể dạy tại đó như các trung tâm dạy thêm khác.

Ông Minh cũng nhấn mạnh, giáo viên cần lưu ý không dạy thêm cho học sinh tiểu học, trừ các trường hợp như bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, hoặc rèn luyện kỹ năng sống. Đồng thời, không được thu tiền dạy thêm từ học sinh chính khóa ngoài nhà trường.

Ông Hồ Tấn Minh cho biết UBND TP.HCM đã giao cho chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện các nhiệm vụ sau: Chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

Chỉ đạo phòng GD-ĐT phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức, hướng dẫn và kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Đồng thời, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Chỉ đạo UBND cấp xã giám sát, kiểm tra việc tuân thủ quy định về giờ làm việc, giờ làm thêm, cũng như các quy định liên quan đến an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ đối với các tổ chức, cá nhân dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.

Hiện nay, Sở GD-ĐT TP.HCM đang xây dựng dự thảo quy định về dạy thêm học thêm và xin ý kiến các sở, ban ngành để trình UBND TP.HCM ban hành hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.