Tạp chí học thuật Nature đưa tin, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một peptide khi trộn với nước có thể tự tập hợp thành một loại thủy tinh cứng. Peptide là chuỗi axit amin, giống như các phiên bản nhỏ hơn của protein và chúng có khả năng tự lắp ráp, tạo thành các cấu trúc có đặc tính độc đáo. Thông thường, những cấu trúc này có bản chất là tinh thể - không được sử dụng nhiều nếu chúng ta muốn tạo ra vật liệu thủy tinh.
Tuy nhiên, trong khi tìm kiếm thứ hoàn toàn khác, một nhóm các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một peptide nhất định sẽ phát triển các liên kết bất thường với nước, cho phép nó hình thành cấu trúc giống như thủy tinh.
Điều thú vị là nếu bị nứt, loại kính peptide chỉ cần vài giọt nước là có thể tự lành lại. Các vết trầy xước và vết lõm sẽ biến mất sau khi có đủ độ ẩm. Mặt khác, việc thiếu nước lại là vấn đề đối với loại kính này. Nếu thủy tinh bị mất nước đủ, nó có thể bị nứt vì không có đủ nước để giữ các phân tử peptide lại với nhau.
Mặc dù phát minh này khá thú vị này nhưng loại kính mới chưa thể sử dụng trực tiếp trên smartphone vì các chất này có xu hướng tạo ra các đường cong. Các nhà nghiên cứu có thể kiểm soát độ cong bằng cách thay đổi nồng độ của dung dịch. Khi nước bay hơi, sẽ thu được kính lồi có thể dùng làm thấu kính. Một vấn đề trở ngại đối với việc áp dụng loại kính này vào smartphone là người dùng sẽ không thoải mái nếu có nước lọt vào điện thoại.
Điện thoại thông minh cần có mặt kính phẳng. Nếu công nghệ này được sử dụng trong điện thoại thông minh, sẽ cần nhiều thời gian để các nhà khoa học có thể kiểm soát được hình dạng cuối cùng của loại kính peptit này, đồng thời ngăn ngừa nứt nẻ do mất nước.
Vật liệu mới còn có một đặc tính thú vị và bất ngờ khác: Đó là loại keo rất bền. Peptit có thể bám dính vào một số bề mặt. Đặc tính này không nhất thiết phải hữu ích cho ngành công nghiệp di động nhưng “keo thủy tinh” dường như có khả năng kết dính ấn tượng. Các nhà nghiên cứu đã dán hai tấm kính hiển vi lại với nhau, nhưng chúng vẫn được kết nối dưới tải trọng 5kg.
Trước đó, nhiều công trình nghiên cứu về kính có thể tự phục hồi, tiềm năng cho smartphone cũng được đưa ra. Apple – “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ cũng đã được cấp bằng sáng chế cho thiết bị màn hình gập với một lớp vật liệu có khả năng xóa vết xước hoặc lõm trong quá trình sử dụng. Trục bản lể của thiết bị sử dụng công nghệ mới cũng có thể uốn cong mà không bị hư hỏng. Màn hình điện thoại sẽ sử dụng lớp bảo vệ linh hoạt thay vì kính siêu mỏng như hiện nay.
Người dùng cũng có thể đặt lịch trình tự phục hồi của màn hình. Tuy nhiên, từ phát minh đến có thể sản xuất thương mại luôn là một hành trình rất dài. Trong thời gian chờ đợi, có thể sẽ còn rất lâu nữa, những người dùng cẩn thận muốn bảo vệ màn hình smartphone của mình khỏi những nguy cơ hư hỏng, vỡ màn hình vẫn tiếp tục sử dụng tấm kính cường lực như một giải pháp tạm thời.