Người mua nhà Hà Nội đang rơi vào “mê cung giá”

Một căn hộ/nhà riêng được các môi giới đưa ra mức giá chênh lệch khác nhau, dự án vừa “bung” bảng hàng đã vội đóng…là một trong những tình trạng đang khiến người mua nhà rơi vào “mê cung” không biết đâu mới là giá trị thực của thị trường.

Trong thời gian qua, tình trạng giá bán chung cư Hà Nội tăng mạnh và được dự báo sẽ còn tăng tiếp là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Tuy nhiên, thị trường ngày càng xuất hiện nhiều những dấu hiệu bất thường mà người không phải chuyên gia cũng có thể nhận thấy.

Không biết đâu là giá thực đâu là giá ảo

Trong một cộng đồng hội tụ những người muốn mua nhà Hà Nội đang truyền tay nhau thông tin về một căn hộ chung cư rộng 89m2 với 3 phòng ngủ tại khu vực Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang được nhiều môi giới chào bán với mức giá từ 4,3 đến 4,37 tỷ đồng, chênh lệch giữa mức giá cao nhất và thấp nhất là 70 triệu đồng. Theo một môi giới,hiện căn hộ này đã có sổ đỏ sẵn sàng, chỉ chờ sang tên cho chủ mới.

Hay trường hợp của chị Khánh Huyền (Hoàng Mai, Hà Nội), do có nhu cầu muốn đổi từ căn chung cư hơn 50m2 mà gia đình đang sống tại HH2 Linh Đàm sang một căn hộ rộng hơn, thuận tiện cho việc di chuyển đển nơi làm việc chị đã bắt đầu tìm nhà tìm giữa tháng 8. Đến đầu tháng 9, chị thấy một căn hộ rộng 79,4m2 với 2 phòng ngủ ở khu vực Thanh Xuân phù hợp với nhu cầu.

chung-cu-1726386139.jpg
Cùng 1 căn hộ chung cư tại Mỹ Đình được rao với 3 mức giá khác nhau

Ban đầu, người môi giới đưa ra mức giá 5,4 tỷ đồng, tức khoảng 68 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, một môi giới khác lại chào bán đúng căn hộ đó với giá 5,1 tỷ đồng, thấp hơn 300 triệu đồng so với giá trước đó. "Càng tìm hiểu, tôi càng thấy rối vì giá chung cư quá phức tạp. Do đó, tôi còn đắn đo chưa quyết định mua vì không biết giá 5,1 tỷ đồng có thực sự hợp lý hay không," chị Linh chia sẻ.

Tình trạng này không chỉ diễn ra ở phân khúc chung cư, cùng một căn nhà ở ngõ 28 Văn Hương (quận Đống Đa) bài đăng ngày 5/9 trên diễn đàn “Nhà đất Hà Nội – chính chủ” rao với giá dưới 6 tỉ đồng. Tuy nhiên, ở một diễn đàn khác, vẫn thông tin và hình ảnh về căn nhà này được rao bán với mức giá 7 tỉ đồng vào ngày 14/9, tức sau 9 ngày.

Chia sẻ về vấn đề nay, anh Huy Hoàng – chủ một sàn môi giới tại Hà Nội cho biết, tình trạng một căn nhà được rao bán với nhiều mức giá khác nhau là chuyện khá phổ biến trên thị trường. Lý do là nhiều môi giới đã có thỏa thuận trước với chủ nhà về mức giá mà họ muốn nhận. Sau đó, các môi giới này sẽ tự đưa ra giá bán theo cách của họ, miễn sao người mua dễ dàng chốt giao dịch.

Bên cạnh vấn đề nhiều giá, mới đây, dự án “chói” nhất quận Nam Từ Liêm, QMS Top Tower bất ngờ dừng bán chỉ sau hơn 1 tháng nhận đặt cọc. Lý giải nguyên nhân, một số môi giới cho biết, vì mức giá quá cao (khoảng từ 60 – 90 triệu đồng/m tùy căn hộ) nên lượng bán hàng không được như kỳ vọng. Đáng chú ý, trong giai đoạn bán hàng, các môi giới thường xuyên thông báo đến người mua “sắp hết hàng”.

Giá tăng do đồn thổi?

Mới đây, Bộ Xây dựng có văn bản gửi các UBND tỉnh, thành phố nêu rõ, dù nhiều địa phương đã cố gắng thực hiện các quy định về bất động sản, nhưng thị trường vẫn chưa ổn định và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Một số môi giới và nhà đầu tư còn tung tin đồn, mua đi bán lại nhiều lần để đẩy giá lên cao. Tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ tại các khu vực như Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoài Đức... đã tăng bất thường, không phù hợp với nhu cầu thực tế.

nha-rieng-1726386122.jpg
Căn nhà tại ngõ Văn Hương (Đống Đa) được rao 2 mức giá khác nhau chỉ cách nhau 9 ngày

Một người bán căn hộ chung cư chia sẻ, vừa qua anh có rao bán một căn hộ của gia đình tại quận Thanh Xuân để chuyển vào TP. HCM làm việc. Có một điểm lạ là ngay sau khi rao bán, anh đã nhận được rất nhiều cuộc gọi hỏi về giá, thậm chí có người còn muốn đặt cọc ngay. Khi thấy nhiều người quan tâm, anh lo lắng mình có thể đang bán rẻ, nên đã lên mạng tìm hiểu và phát hiện các căn hộ tương tự đang được rao bán với giá cao hơn vài trăm triệu đồng.

Theo ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản EZ, “mê cung giá” không chỉ ảnh hưởng đến người mua mà còn khiến người bán hoang hoang mang. Bởi lẽ, ngay sau khi có thông tin bán của chủ nhà, các môi giới sẽ đồng loạt gọi trả giá theo chiều hướng tăng lên. Điều này dẫn đến tâm lý cho rằng thị trường đang nóng sốt và không nên vội vàng giao dịch để tránh bị lỗ.

Đồng tình, chị Nguyễn Thị Ngọc Kiều - một nhà đầu tư cho biết, nhận định rằng trong số khoảng 10 căn rao bán, chỉ có 2 căn thực sự muốn bán, còn 6 căn khác chỉ đăng giá cao để xem thị trường có phản ứng ra sao. Hiện tượng chào giá ảo trên các trang mua bán diễn ra rất phổ biến.

Chẳng hạn, trong cùng một dự án, những căn hộ cùng diện tích 92m2 có thể được rao bán với mức giá khác nhau, chênh lệch tới 400 - 500 triệu đồng. Những thông tin như vậy vô tình tạo nên tâm lý cho người bán rằng giá nhà luôn tăng, góp phần hình thành một mặt bằng giá mới trên thị trường.

Trong khi đó, theo dữ liệu mới nhất từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), cả nước có khoảng 100.000 người làm môi giới bất động sản, nhưng chỉ 40.000 người có chứng chỉ hành nghề. Phần lớn môi giới là cá nhân tự do, làm thêm, không qua đào tạo và không chịu sự quản lý nào. Họ thường tìm cách thực hiện giao dịch nhanh chóng, "thổi giá" bất động sản để kiếm lời, gây rối thị trường và làm mất niềm tin của nhà đầu tư.