Trung Quốc đã công bố kế hoạch thúc đẩy ngành lưu trữ năng lượng khi nước này nỗ lực củng cố an ninh năng lượng và ứng phó với nhu cầu điện tăng đột biến từ các ngành công nghiệp mới nổi như trí tuệ nhân tạo.
Kế hoạch hành động do 8 bộ ngành cùng ban hành, bao gồm các biện pháp đẩy mạnh phát triển một loạt công nghệ pin thế hệ tiếp theo và thành lập một nhóm nhỏ các công ty hàng đầu trong lĩnh vực này.
Liang Yan, giáo sư kinh tế tại Đại học Willamette ở Mỹ nhận định: “Vấn đề nằm ở chủ quyền năng lượng - không chỉ đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng đủ để ứng phó với nhu cầu tăng cao do AI mà còn duy trì quyền tự chủ trong việc quyết định cơ cấu năng lượng, các đối tác năng lượng và chính sách năng lượng mà Trung Quốc áp dụng”.
Trung Quốc đang đặt cược lớn vào công nghệ lưu trữ năng lượng, trong bối cảnh nhu cầu gia tăng từ làn sóng trí tuệ nhân tạo dâng cao.
Liang cho biết thêm, chính sách này cũng sẽ giúp Trung Quốc đạt được "mục tiêu kép về carbon" - cụ thể là đạt mức phát thải carbon tối đa vào năm 2030 và đạt mức trung hòa carbon vào năm 2060.
Theo kế hoạch, đến năm 2027, Trung Quốc đặt mục tiêu phát triển từ 3 đến 5 doanh nghiệp lưu trữ năng lượng hàng đầu, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp trong nước và cung cấp các sản phẩm hiệu suất cao hơn.
Chính phủ cho biết họ sẽ hỗ trợ nghiên cứu các công nghệ mới nổi như pin carbon-chì, pin ion magiê và pin dòng chảy, cũng như phát triển các giải pháp lưu trữ năng lượng khí nén và hydro.
Lưu trữ năng lượng liên quan đến việc sử dụng các công nghệ tiên tiến bao gồm cả pin để lưu trữ điện năng dư thừa được tạo ra bởi các tua-bin gió, tấm pin mặt trời và các cơ sở khác trong thời gian cao điểm, sau đó có thể được sử dụng để duy trì hoạt động của lưới điện nếu nguồn cung cấp sắp hết.
Công nghệ này đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo vì nguồn cung cấp năng lượng gió, năng lượng mặt trời không thể đoán trước và có thể dao động mạnh theo từng thời điểm.
Là một phần trong cải cách thị trường điện, Trung Quốc đang tìm hiểu việc tích hợp các giải pháp lưu trữ năng lượng mới vào lưới điện nhằm mục đích sử dụng chúng trong các tình huống như quản lý tải đỉnh và điều chỉnh tần số.
Ông Liang cho hay: “Trung Quốc đã có thể tạo ra một lượng lớn năng lượng tái tạo, trọng tâm hiện nay là tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo và tăng cường sự ổn định của lưới điện”. “Điều này sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển và áp dụng các công nghệ lưu trữ năng lượng”.
Theo kế hoạch, Trung Quốc đặt mục tiêu triển khai các giải pháp lưu trữ năng lượng mới tại các trung tâm dữ liệu, phòng máy tính thông minh và các cơ sở sử dụng nhiều năng lượng khác. Nước này cũng sẽ tìm cách tăng hiệu quả trong các ngành sản xuất liên quan bằng cách tích hợp blockchain, AI và các công nghệ mới nổi khác.
Các biện pháp khác trong kế hoạch tập trung vào việc hạn chế rủi ro “đầu tư mù quáng và mở rộng hỗn loạn” trên thị trường lưu trữ năng lượng.
Kế hoạch thúc đẩy ngành lưu trữ năng lượng là một phần quan trọng trong "mục tiêu kép về carbon" của Trung Quốc từ nay đến năm 2060.
Giống như ngành công nghiệp pin lithium của Trung Quốc, lĩnh vực lưu trữ năng lượng đã thu hút một làn sóng đầu tư trong vài năm qua, dẫn đến cuộc chiến giá cả khốc liệt và làm giảm biên lợi nhuận của nhiều công ty.
Năm ngoái, hơn 280.000 doanh nghiệp lưu trữ năng lượng đã được đăng ký tại Trung Quốc tăng gần 24 lần so với năm 2021. Nhưng giá trong lĩnh vực này đang giảm thậm chí còn nhanh hơn so với ngành pin lithium.
Mặc dù vậy, lĩnh vực lưu trữ năng lượng của Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng tốc. Theo Cục Quản lý Năng lượng Quốc gia, công suất lắp đặt các dự án lưu trữ năng lượng của nước này đã tăng vọt 130% so với cùng kỳ năm 2024. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch của nước này cao hơn 2,5 lần so với mức trung bình toàn cầu.
Theo báo cáo của công ty phân tích Wood Mackenzie công bố vào tháng 8 năm ngoái, “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ Tesla là công ty lớn nhất trên thị trường lưu trữ năng lượng toàn cầu, với 15% thị phần, tiếp theo là Sungrow của Trung Quốc. Tuy nhiên, thị phần của Tesla đã giảm kể từ năm 2020 khi một loạt các công ty Trung Quốc mới tham gia thị trường.