Startup công nghệ cần nguồn lực tài chính mạnh

Startup công nghệ đòi hỏi có nguồn lực tài chính nhiều hơn so với đầu tư các ngành khác. Do vậy, để thành công, các startup phải có những định hướng giá trị lâu dài chứ không nên quan tâm đến lợi nhuận ngắn hạn.

Startup công nghệ cần nhiều vốn hơn 

Bước vào thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin và đặc biệt cuộc cách mạng 4.0 đã tạo sự thay đổi chóng mặt trong đầu tư của các công ty khởi nghiệp. Các startup thường ưu tiên lựa chọn kinh doanh bằng những sản phẩm công nghệ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người.

Tuy nhiên, để có những sản phẩm công nghệ thành công đòi hỏi các startup phải dồn nhiều tâm huyết tìm hiểu, sáng tạo và dự đoán, tạo hành vi mới cho khách hàng. Điều này không chỉ tốn kém chi phí lớn mà còn mất nhiều công sức, thời gian để tạo lập.

Theo thống kê của CB Insights (Mỹ), có đến 70% startup công nghệ gặp thất bại khi khởi nghiệp, do còn gặp vướng mắc ở mô hình kinh doanh chưa đột phá, khả năng kết nối nhà đầu tư, trình độ nhân lực… Hơn nữa, cũng chưa có cơ chế, chính sách phát triển gọi vốn cộng đồng, thu hút đầu tư mạo hiểm hiệu quả.

công nghệ
Các startup ngành công nghệ thường phải "đốt" nhiều tiền hơn so với các lĩnh vực khác (Ảnh minh họa: Báo nhân dân) 

Shark Duzng Nguyen, Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam & Thái Lan cho biết, các công ty trong lĩnh vực công nghệ thường gặp nhiều khó khăn hơn so với các ngành nghề khác. Ví dụ như so với mô hình kinh doanh quán phở thì mỗi ngày đều sẽ có khách, phục vụ 100 khách thì ít nhất sẽ có 99 người mua phở là có tiền ngay, tuy nhiên mô hình kinh doanh công nghệ là phải phục vụ hàng triệu người, đôi khi 100 người vào mới có 1 người sử dụng nhưng khi đã có chỗ đứng thì số lượng người tiếp cận sẽ là con số lớn. Đây chính là lý do khiến cho các công ty công nghệ thường phải “đốt” nhiều tiền hơn so với công ty bình thường. 

“Mô hình kinh doanh đang thay đổi dần, truyền thống và công nghệ có những cách tiếp cận khác nhau, về cơ bản mô hình công nghệ phải phục vụ được nhiều khách hàng mới kiếm được tiền”, Shark Duzng Nguyen chia sẻ.

Ông Dũng Nguyễn
Shark Duzng Nguyen, Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam & Thái Lan (Ảnh: Shark Tank)

Thực tế, đã có rất nhiều các startup lớn với nền tảng công nghệ dù có thua lỗ nặng, đốt tiền nhưng giá trị công ty vẫn tăng lên rất nhiều. Chẳng hạn như Amazon mất 20 năm kinh doanh thua lỗ nhưng là công ty giá trị nhất thế giới với giá thị trường 1.000 tỷ USD; Alibaba phải mất 5 đến 10 năm mới trở thành trang thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc; Tiki hay Tropica cũng gặp tình trạng thua lỗ tương tự nhưng vẫn xây dựng được chỗ đứng riêng trên thị trường nhờ vào thói quen người dùng, làm thay đổi thị trường.

Shark Duzng Nguyen cho rằng, những doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đa phần đều đang thua lỗ, nhưng đây là điều đương nhiên bởi đã đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thì cần xác định đây là cuộc chơi dài hơn, phải chấp nhận việc thua lỗ. Những khoản thua lỗ trong tầm kiểm soát nhưng công ty vẫn đang tăng trưởng như số lượng người sử dụng tăng, giao dịch trên nền tảng tăng… thì không thể gọi là thất bại được, bởi chính từ những khoản thua lỗ này mới giúp công ty phát triển bền vững trong tương lai.

Công nghệ
Xây dựng nền tảng trong thời gian dài sẽ giúp các startup công nghệ đạt được lợi nhuận kỳ vọng trong tương lai. (Ảnh minh họa: Báo Nhân dân)

“Mặc dù thua lỗ nhưng không thể coi là lỗ bởi vì đây là động lực xây dựng nền tảng sau này, ngay cả khi không tiếp tục đầu tư thì nền tảng này vẫn tiếp tục được sinh ra, tạo ra nguồn tiền trong tương lai. Các startup phải tập trung mục đích xây dựng nền tảng, không chỉ dựa vào doanh số vì đây không phải là khoản đầu tư mà nhà đầu tư kỳ vọng, do vậy các startup nên lưu ý chuyện này để rút kinh nghiệm cho doanh nghiệp của mình”, Shark Duzng Nguyen nói.

Vượt qua bão khủng hoảng để trở thành “kỳ lân” công nghệ

Theo các chuyên gia, việc chấp nhận lỗ để phát triển và thua lỗ báo động là hai việc hoàn toàn khác nhau. Khi nền kinh tế thế giới và Việt Nam đều đang trải qua nhiều khó khăn và thách thức, các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ số nên ưu tiên tăng trưởng bền vững, yên tâm tăng trưởng dựa trên sản phẩm bởi trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ người dùng trực tuyến tại Việt Nam đã tăng trưởng tương đối cao, quen thuộc với các sản phẩm số.

Shark Duzng Nguyen nhắn nhủ các startup ngành công nghệ, cần phải xác định các khoản đầu tư rõ ràng, đâu là khoản đầu tư phát triển trong tương lai, đâu là khoản đầu tư nếu mình không xem xét kỹ càng mà dừng lại sẽ rất dễ kéo cả một doanh nghiệp đi xuống. Điều quan trọng là cần phân biệt các mục chi phí cho mỗi khoản đầu tư, hiệu quả ra sao thì các startup sẽ duy trì và phát triển lớn mạnh trong tương lai.

công nghệ
Chấp nhận lỗ để phát triển và thua lỗ báo động là hai việc hoàn toàn khác nhau. (Ảnh minh họa: IT)

Đặc biệt là để thành công, các startup công nghệ cần chú trọng những yếu tố then chốt như xây dựng được đội ngũ nhân sự mạnh và hòa hợp, chiến lược marketing tốt, huy động được nguồn vốn từ cộng đồng và quỹ đầu tư, tạo được văn hóa và tầm nhìn để vận hành được doanh nghiệp. Ngoài ra, bản thân các startup cũng phải biết xác định rõ thị trường, kéo và tạo ra được thị trường, đặt vào làm người trải nghiệm để tránh thất bại.

Theo bà Nguyễn Phương Thảo, sáng lập Công ty Xtechs, trong giai đoạn mới bắt đầu của ý tưởng khởi nghiệp thì hai yếu tố quan trọng cần chú ý là vốn và bí quyết công nghệ. Muốn duy trì tồn tại và phát triển lâu dài thì nên tập trung vào bí quyết công nghệ của sản phẩm sẽ có lợi hơn trong cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số, các sản phẩm và dịch vụ mới liên tục ra đời và cạnh tranh khốc liệt.

Bên cạnh đó, các nước trong khu vực và trên thế giới đều có các chiến lược và chính sách phát triển kỳ lân công nghệ, đây là động lực tăng trưởng kinh tế số. Việt Nam cũng cần có các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghệ trong từng giai đoạn phát triển, đầu tư có trọng điểm, chọn lọc các sản phẩm tiềm năng giúp ích cho xã hội để hỗ trợ phát triển, hình thành các doanh nghiệp kỳ lân trong tương lai gần.