Ông Lê Ngọc Nam, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư - Khách hàng cao cấp (Công ty Chứng khoán JB Việt Nam) sẽ có những phân tích và lưu ý với nhà đầu tư cá nhân về thị trường thời điểm đầu năm 2024.
Ở góc độ chuyên gia theo dõi thị trường chứng khoán (TTCK) qua các chu kỳ, nhất là thời điểm với nhiều biến động giai đoạn 2022-2023, theo ông, bước sang năm 2024, TTCK có những điểm nhấn gì đáng chú ý?
TTCK Việt Nam 2023 là một năm đầy thăng trầm với các nhà đầu tư. Có thể nói yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường 2023 là diễn biến chính sách tiền tệ. Khi các nước tăng lãi suất thì Việt Nam lại giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong đó, đáng chú ý là 4 lần hạ lãi suất cùng đà đi lên của thị trường từ tháng 5 đến tháng 6.
Tuy nhiên, nền kinh tế phục hồi chậm hơn kỳ vọng cũng là nguyên nhân khiến TTCK bước vào đà giảm từ tháng 9. Ngoài ra, việc khối ngoại bán ròng do ảnh hưởng của USD tăng giá và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ ở tất cả kỳ hạn cũng phần nào tác động đến sự tăng trưởng của TTCK Việt Nam trong năm qua.
Tuy nhiên, những ngày cuối năm 2023 và bước sang đầu 2024, chúng ta cũng đã phần nào thấy được sự phục hồi của thị trường. Chỉ số tăng liên tiếp trong những phiên giao dịch đầu năm. Thanh khoản thị trường cũng tăng mạnh, có những phiên giao dịch vượt 1 tỷ USD, trong khi đó, khối ngoại giảm bán ròng.
Từ thực tế trên, chúng tôi kỳ vọng TTCK Việt Nam năm 2024 sẽ có nhiều điểm sáng hơn đến từ sự hỗ trợ của kinh tế vĩ mô. Cụ thể, chúng tôi cho rằng lãi suất thấp sẽ được duy trì ít nhất sang giữa năm 2024. Các chính sách tiền tệ đảo chiều tại một số ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng sẽ được cân nhắc trong năm 2024. Điều này giúp giảm áp lực cho tỉ giá, qua đó SBV sẽ có thêm dư địa để duy trì chính sách nới lỏng. Nhờ vậy, dòng vốn sẽ thẩm thấu tốt hơn vào nền kinh tế. Doanh nghiệp có cơ hội vay vốn rẻ hơn, thúc đẩy tăng trưởng tốt hơn. Khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn nhờ giảm chi phí vốn sẽ tác động tích cực trở lại TTCK.
Ngoài ra, việc Quốc hội đã họp và thống nhất thông qua Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng vào ngày 18/1 vừa qua cũng mang lại kỳ vọng cho nhóm bất động sản, ngân hàng. Đây là hai nhóm vốn hóa lớn dẫn dắt VN-Index.
Căn cứ từ tình hình thực tiễn của thế giới và trong nước, theo ông những nhóm ngành nào sẽ có triển vọng trong năm mới 2024?
Chúng tôi cho rằng có thể chia các ngành triển vọng trong năm 2024 thành 2 nhóm như sau:
Thứ nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng: Một trong những yếu tố quan trọng khiến cho nhóm cổ phiếu này hút được dòng tiền của nhà đầu tư phải kể đến đầu tiên là tỷ lệ NIM của các ngân hàng đã cải thiện tốt trong quý 4.2023 và có thể tiếp tục cải thiện mạnh trong quý 1.2024 do mặt lãi suất tiếp tục ở mức thấp nhất, kể từ giai đoạn Covid.
Nguyên nhân khiến cho lợi nhuận ngành ngân hàng không tăng mạnh quý 4.2023 một phần là do tỷ lệ trích lập dự phòng cao. Điều này có thể được cải thiện trong quý 1.2024, giúp bức tranh về kết quả kinh doanh “sáng” hơn.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng có vẻ đã đạt đỉnh trong quý 3.2023 và có khuynh hướng giảm trong quý 4.2023 và khả năng sẽ cải thiện trong thời gian tới nhờ kinh tế phục hồi, cùng mặt bằng lãi suất thấp.
Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã quay trở lại mạnh mẽ trong quý 4.2023, tiềm năng sẽ cải thiện trong năm 2024 nhờ kỳ vọng phục hồi kinh tế.
Cuối cùng, yếu tố không thể thiếu là mặt bằng định giá của cổ phiếu ngân hàng mặc dù đã cao hơn gần đây nhưng vẫn rất hấp dẫn đối với thị trường. Do vậy, cổ phiếu "vua" vẫn có thể tiếp tục thể hiện vị thế tốt trong thời gian tới.
Nhóm tiếp theo là các ngành phục hồi từ nền lợi nhuận thấp so với năm ngoái như thép, bán lẻ, xuất khẩu. Trong đó, ngành thép được kỳ vọng sẽ hồi phục ấn tượng nhất năm 2024. Nhìn về lợi nhuận thì ngành thép có lẽ không đạt mạnh như 2021 nhưng kì vọng phục hồi lại rất lớn. Lý do là biến động của giá thép hồi phục. Đi kèm đó là sự hưởng lợi từ câu chuyện đầu tư công tăng mạnh năm 2023 và còn mạnh nữa trong năm 2024. Thống kê cho thấy 30% giá trị xây dựng là từ Nhà nước và 70% là từ dân dụng. Đi kèm theo đó là sự ấm lên của dòng bất động sản 2024 cũng là luận điểm đáng chú ý để đầu tư ngành thép.
Thưa ông, với các NĐT cá nhân, chiến thuật đầu tư trong năm nay là gì ông?
Mỗi nhà đầu tư sẽ có một chiến thuật đầu tư riêng, phù hợp với khẩu vị rủi ro của bản thân. Năm 2024 chúng tôi kỳ vọng TTCK có cơ hội tăng trưởng như đã đề cập ở trên. Tuy nhiên, nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và được dự báo sẽ giảm tốc trong năm 2024. Vì thế, cá nhân tôi vẫn sẽ tập trung tích lũy các cổ phiếu chất lượng cao, có sức khỏe tài chính mạnh, có dòng tiền kinh doanh ổn định trong nửa đầu năm 2024 và tìm kiếm lợi nhuận đột biến trong nửa cuối năm 2024 khi nền kinh tế được kỳ vọng có dấu hiệu hồi phục.
Với cá nhân tôi, quản trị rủi ro là một trong những nguyên tắc vô cùng quan trọng, giúp tránh được các "cú sốc" đến từ thị trường cũng như bảo toàn lợi nhuận tốt. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi mức độ khó của cuộc chơi đang ngày càng tăng và đòi hỏi một sự tập trung, thận trọng hơn trong các chiến lược của nhà đầu tư.
Vậy, với những trở ngại ảnh hưởng đến TTCK trong năm 2024, theo ông có gì đáng nói?
Những trở ngại trong năm 2024 ảnh hưởng đến TTCK, chúng tôi cho rằng vẫn sẽ đến từ các yếu tố vĩ mô. Thứ nhất là sự suy giảm rõ rệt của các nước lớn trên thế giới. Trong đó, Mỹ, EU và Trung Quốc, 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đều có kỳ vọng tăng trưởng kinh tế chậm lại so với 2023. Thứ hai là rủi ro đến từ các chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam.
Tuy rằng, lãi suất thấp hỗ trợ doanh nghiệp và kích cầu kinh tế, nhưng sẽ phần nào tăng thêm rủi ro cho việc kiểm soát tỷ giá và lạm phát trong nước. Ngoài ra, nếu đà tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 không như kỳ vọng đề ra cũng sẽ phần nào ảnh hưởng đến TTCK..
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang cận kề, lời khuyên của ông dành cho NĐT cá nhân ở thời điểm này là gì?
Thông thường cuối năm, nhất là trước kỳ nghỉ Tết kéo dài, thanh khoản thị trường có xu hướng xuống thấp do khuynh hướng cẩn trọng của các NĐT. Theo thống kê trong 10 năm gần đây thì có tới 8 năm thị trường tăng điểm ở trước và sau Tết Nguyên đán và chỉ có 2 năm thị trường giảm điểm. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất hiện tại rất thấp và xu hướng ngắn hạn của thị trường đang tích cực.
Do đó, chúng tôi đánh giá thanh khoản có thể duy trì mức thấp trước kỳ nghỉ lễ nhưng sẽ cải thiện trở lại sau đó. Vậy nên, chúng tôi cho rằng đây là thời điểm tốt để các nhà đầu tư có thời gian nghiên cứu chi tiết, tìm ra các mã cổ phiếu tiềm năng, phù hợp với khẩu vị rủi ro của bản thân, từ đó có những quyết định tối ưu khi thị trường sôi động trở lại.
Xin trân trọng cảm ơn ông!