TP. HCM: Không cưỡng chế, tập trung cải tạo với 74.000 phòng trọ không đạt chuẩn

Trước mối quan tâm của cử tri về việc xử lý hơn 74.000 phòng trọ không đạt chuẩn, nơi đang là chỗ ở của 185.000 người dân, Sở Xây dựng TP.HCM khẳng định sẽ không áp dụng các biện pháp mạnh như tháo dỡ hay đóng cửa ngay lập tức, tránh gây xáo trộn cuộc sống của người thuê.

Đây là những thông tin được đưa ra tại chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" số thứ 12 với chủ đề "Cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng".

Nhiều chính sách hỗ trợ các chủ nhà không đạt chuẩn

Tại buổi làm việc, ông Phan Thanh Thọ, cử tri phường Phước Long B, TP Thủ Đức, đã nêu câu hỏi về tình trạng nhà trọ tại TP.HCM. Ông cho biết Sở Xây dựng đã đề xuất quy định các nhà trọ phải đáp ứng diện tích tối thiểu 4m² sàn/người và tuân thủ các yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy. Ông Thọ đặt vấn đề: hiện có bao nhiêu nhà trọ đạt chuẩn và bao nhiêu không, đồng thời thắc mắc giải pháp đối với các phòng trọ chưa đạt chuẩn.

Phản hồi vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết theo số liệu khảo sát năm 2024, TP.HCM hiện có gần 60.000 công trình nhà ở riêng lẻ cho thuê với hơn 629.000 phòng trọ.

Trong số đó, khoảng 555.000 phòng, tương đương 88,2%, đáp ứng tiêu chuẩn diện tích sàn tối thiểu 4m²/người. Tuy nhiên, còn 74.000 phòng (chiếm 11,8%) không đạt chuẩn, bao gồm 9.000 phòng trọ độc lập và 65.000 phòng thuộc nhà ở riêng lẻ kết hợp cho thuê.

huynh-thanh-khiet-1734266638.jpg

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM

Số phòng không đạt chuẩn hiện đang phục vụ khoảng 185.000 người thuê, tập trung chủ yếu tại các quận 7, 12, Tân Phú và TP Thủ Đức.

Trước thực trạng này, Sở Xây dựng đã đưa ra giải pháp yêu cầu các chủ nhà tiến hành cải tạo, sửa chữa để đạt chuẩn theo lộ trình. Tuy nhiên, để tránh gây xáo trộn cuộc sống người dân, Sở sẽ không áp dụng biện pháp tháo dỡ hay đóng cửa ngay lập tức. Đồng thời, Sở cũng đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ như cho vay ưu đãi, giảm lãi suất, hỗ trợ chi phí điện nước và áp dụng các ưu đãi về thuế nhằm khuyến khích chủ nhà nâng cấp, cải thiện chất lượng phòng trọ.

Những biện pháp này được đánh giá là hợp lý trong bối cảnh khan hiếm nhà ở, giá nhà cả thuê và mua đều tăng cao tại các thành phố lớn như hiện nay. Báo cáo từ chuyên trang Nhà Tốt về thị trường nhà trọ, phòng trọ dịch vụ trong tháng 10 cho thấy giá thuê trọ tại TP.HCM đang có xu hướng tăng mạnh.

Cụ thể, khảo sát nguồn cung phòng trọ mới trong tháng ghi nhận mức giá thuê thấp nhất (không bao gồm loại hình hộp ngủ, phòng trọ siêu nhỏ hoặc xuống cấp) là khoảng 3 triệu đồng/tháng, tăng từ 10-20% so với mức 2,5 triệu đồng vào đầu năm. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong vòng hai năm qua. Trong khi đó, giá thuê cao nhất được ghi nhận ở mức 6,6 triệu đồng/tháng, còn mức trung bình toàn thị trường đạt khoảng 3,8 triệu đồng/tháng.

Xu hướng tăng giá diễn ra đồng đều tại hầu hết các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt tập trung ở các quận trung tâm (như quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh) và khu Nam (quận 7, Bình Chánh, Nhà Bè). Theo Nhà Tốt, tính đến tháng 10, giá thuê trung bình tại các quận trung tâm đã tăng khoảng 10%, từ 3,7 triệu đồng/tháng đầu năm lên 4 triệu đồng/tháng.

Đề xuất công nhận nhà trọ cho thuê dài hạn cũng là một hình thức nhà ở xã hội

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam, cho biết ngày càng nhiều người trẻ chuyển sang lựa chọn thuê nhà dài hạn thay vì tích lũy để mua nhà, do giá nhà tăng quá cao, vượt ngoài khả năng tài chính. Việc nhu cầu thuê nhà tăng mạnh đã khiến giá thuê trọ tiếp tục leo thang. Đồng thời, giá bất động sản như chung cư, đất nền và nhà riêng lẻ tăng chóng mặt trong thời gian qua cũng buộc các chủ nhà cho thuê phải tăng giá để bù đắp chi phí.

Thực trạng này đang gây khó khăn lớn cho người lao động và các gia đình có thu nhập thấp, khi việc sở hữu nhà trở nên xa vời, còn giá thuê nhà cũng ngày càng đắt đỏ. Trước tình hình này, các chuyên gia cho rằng Chính phủ và các địa phương cần nhanh chóng có các giải pháp hỗ trợ. Điều này bao gồm việc khuyến khích doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà ở bình dân và tăng nguồn cung nhà cho thuê với mức giá phù hợp và chất lượng đảm bảo, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn trên thị trường.

nha-tro-1734266637.jpg

Dù nhà trọ được xem như một hình thức nhà ở xã hội, nhưng hiện tại chưa được công nhận chính thức

Tại tọa đàm "Nhà ở xã hội: Đột phá từ chính sách mới", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, dù nhà trọ được xem như một hình thức nhà ở xã hội, nhưng hiện tại chưa được công nhận chính thức . Đây là một bất cập cần được xem xét và điều chỉnh.

Theo đó, HoREA đề xuất bổ sung vào Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định công nhận nhà ở riêng lẻ được sử dụng làm “nhà trọ cho thuê dài hạn” là một hình thức nhà ở xã hội. Mô hình này do cá nhân hoặc hộ gia đình đầu tư, kinh doanh, và các “chủ nhà trọ” cũng nên được đối xử tương tự như “chủ đầu tư” các dự án nhà ở xã hội. Điều này sẽ giúp họ hưởng các chính sách ưu đãi, bao gồm tín dụng và thuế.

Cụ thể, HoREA kiến nghị mức “thuế khoán” cho nhà trọ giảm xuống 3,5% trên doanh thu, bao gồm 2,5% thuế giá trị gia tăng (GTGT) và 1% thuế thu nhập cá nhân. Đây là mức thuế ưu đãi phù hợp hơn so với quy định hiện tại tại Thông tư 40/2021/TT-BTC, vốn áp dụng mức “thuế khoán” 7% trên doanh thu (bao gồm 5% thuế GTGT và 2% thuế thu nhập cá nhân), ngang bằng với thuế suất của các chủ khách sạn mini cho thuê ngắn hạn theo ngày hoặc giờ.