Trung Quốc đứng đầu thế giới về số lượng nhân tài AI

Nghiên cứu mới nhất cho thấy, Trung Quốc đã vượt Mỹ trong một số tiêu chí để trở thành nơi sản sinh những nhân tài AI bậc nhất.

Những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) là lĩnh vực công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Do đó, các công ty về AI cũng xuất hiện nhiều hơn và các trường đại học cũng đẩy mạnh đào tạo về lĩnh vực AI.

649380919-20220815104050-1713641626.jpg
Những năm gần đây, AI là lĩnh vực công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất

Tổng số lượng các công ty AI trên toàn thế giới thành công và đạt được vốn hóa thị trường từ 1 tỷ USD trở lên là 291 công ty. Trong đó, có 131 công ty của Mỹ và 108 công ty là của Trung Quốc, số còn lại thuộc nhiều quốc gia khác nhau. 

Dù Mỹ có số lượng công ty AI vượt trội hơn so với Trung Quốc nhưng Mỹ chỉ xếp thứ hai thế giới về đào tạo tài năng và chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực AI.

Kết quả nghiên cứu mới nhất của dự án MacroPolo cho thấy, Trung Quốc mới là quốc gia đào tạo số lượng nhân sự cho lĩnh vực AI nhiều nhất thế giới.

Nghiên cứu của MacroPolo chỉ ra rằng, Trung Quốc đã đào tạo ra gần 50% nhân sự làm việc trong ngành AI trên toàn thế giới. Trong khi đó, Mỹ chỉ đào tạo được khoảng 18%. Vì vậy, đây được xem là bước nhảy vọt của Trung Quốc khi cách đây 3 năm, Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu về số lượng đào tạo các nhà nghiên cứu AI. Bên cạnh đó, số lượng các nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực AI ở Trung Quốc chiếm 38%, Mỹ là 37%. 

1503ai116032018032946-20220928092433-1713641639.jpg
Trung Quốc là quốc gia đào tạo số lượng nhân sự cho lĩnh vực AI nhiều nhất thế giới

Trung Quốc đạt được bước nhảy vọt đó bởi đã đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo và giáo dục về AI trong những năm gần đây. Nghiên cứu của Macropolo cũng cho biết thêm kể từ năm 2018, Trung Quốc đã bổ sung hơn 2.000 chương trình đào tạo cử nhân về AI và có tới 300 chương trình chỉ có riêng tại những trường đại học xuất sắc nhất cả nước.

Thêm nữa, yếu tố giúp giữ chân các nhân tài AI Trung Quốc bởi các nền tảng AI của đất nước này khá phát triển. Đồng thời, ở Mỹ chính sách nhập cư khá khó khăn nên nhiều chuyên gia AI gốc Trung Quốc chọn tiếp tục ở lại trong nước để cống hiến.

Giáo sư và nhà nghiên cứu AI tại Đại học bang Arizona - Subbarao Kambhampati nói: "Các học giả Trung Quốc gần như đang dẫn đầu về lĩnh vực AI. Nếu các nhà hoạch định chính sách của Mỹ vẫn tiếp tục cố gắng cấm công dân Trung Quốc nghiên cứu và làm việc tại Mỹ thì họ đang "tự bắn vào chân mình". Chúng ta sẽ sớm bị Trung Quốc bỏ xa trong cuộc đua AI”.

Trước đó, Mỹ không quá quan tâm đến dòng nhân sự AI từ Trung Quốc do các dự án AI lớn không sử dụng dữ liệu mật. Đồng thời, việc rất nhiều nghiên cứu hàng đầu về AI được công bố cũng kìm hãm sự lo lắng của nhà chức trách Mỹ. 

Tuy nhiên, mới đây một kỹ sư người Trung Quốc của Google đã bị buộc tội vì nhận tiền và chuyển giao công nghệ AI cho một công ty ở Bắc Kinh. Vì vậy, số lượng lớn các nhà nghiên cứu AI Trung Quốc làm việc tại Mỹ bày tỏ băn khoăn với các nhà hoạch định chính sách. Họ không khuyến khích dòng chảy kỹ sư máy tính hàng đầu Trung Quốc ồ ạt đổ ào Mỹ. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận sức hút của Mỹ khi quốc gia này vẫn là điểm đến hàng đầu của các chuyên gia AI trên thế giới. 

tri-tue-nhan-tao-ai-2-3436-1-1713641866.jpg
Nhiều chính sách thu hút nhân tài AI được đưa ra

Thực tế, nhiều quốc gia cũng đang rất nỗ lực nhằm thu hút các chuyên gia AI đến làm việc và sinh sống, điển hình là Anh và Hàn Quốc.

Sau Trung Quốc, Ấn Độ là quốc gia “xuất khẩu” nhân sự AI nhiều nhất thế giới. Được biết, chính phủ đất nước này đang tìm cách giữ chân những tài năng AI do mình đào tạo. Vào năm 2019, hầu hết các nhà nghiên cứu AI được đào tạo tại Ấn Độ đều tìm được cơ hội làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, đến năm 2023, có đến 20% nhân sự AI đã ở lại làm việc tại Ấn Độ.

Có thể thấy, trong tương lai cuộc đua về đào tạo và thu hút nhân tài AI giữa các quốc gia vẫn sẽ diễn ra gay cấn khi AI được xem là tương lai của ngành công nghệ toàn cầu.

MacroPolo được biết đến là một dự án nghiên cứu do Viện Paulson thực hiện để đánh giá tác động của AI đến kinh tế - xã hội trên toàn thế giới. MacroPolo giúp xác định các tác động tiêu cực và tích cực của AI để đề xuất chính sách, giải pháp phù hợp nhằm tối đa lợi ích và giảm thiểu rủi ro do AI gây ra.