Ưu thế trong thuật toán tạo nên thành công toàn cầu của TikTok

Mới đây, chính quyền Mỹ đã thông qua đạo luật buộc ByteDance bán ứng dụng TikTok trong vòng 9 tháng hoặc bị cấm hoạt động ở Mỹ. Trước tình hình đó, thuật toán đề xuất nội dung của ứng dụng này tiếp tục trở thành tâm điểm bàn luận.

Hãng thông tấn Reuters cho biết, ByteDance sẽ không bán TikTok cho bất kỳ công ty nào khác và sẵn sàng đóng cửa ứng dụng trong trường hợp xấu nhất. Bởi lẽ, ByteDance không muốn từ bỏ thuật toán cốt lõi và cũng là “công thức bí mật” tạo nên thành công của TikTok mà không phải mạng xã hội nào cũng làm được.

Nhiều ý kiến đánh giá cho rằng thuật toán của TikTok có nhiều ưu thế hơn so với sản phẩm của Google và Meta.

photo1670637046417-16706370475841812714590-1714402670.jpg
Thuật toán của TikTok được đánh giá có nhiều ưu thế nổi trội

TikTok được đánh giá cao khi phối hợp hiệu quả định dạng video ngắn trên nền tảng. Trước đó, Facebook và Instagram cũng đã đạt được những thành tựu lớn trong việc kết nối các mối quan hệ của người dùng. Tuy nhiên, TikTok lại cho thấy việc vận hành dựa trên hiểu biết về sở thích và “những tín hiệu quan tâm” của người dùng sẽ mang đến ưu thế lớn hơn. Trong đó, thuật toán của TikTok có khả năng theo dõi những thay đổi nhỏ trong sở thích của người dùng ở một thời gian dài. Không những thế, còn có thể xác định họ muốn xem gì vào từng thời điểm nhất định.

Giảng viên Đại học Đại học Utrecht ở Hà Lan - Catalina Goanta nói: "Nhiều mạng xã hội đã phát triển thuật toán dựa trên sở thích của người dùng, nhưng TikTok tối đa hóa hiệu quả của nó nhờ định dạng video ngắn. Hệ thống đề xuất của họ làm nên sự khác biệt ở thiết kế và nội dung".

Được biết, định dạng video ngắn giúp TikTok tìm hiểu sở thích người dùng nhanh chóng hơn nhiều so với các đối thủ. Chẳng hạn như với YouTube, độ dài video của nền tảng này dài đến khoảng 10 phút, trong khi video ở TikTok chỉ có vài chục giây.

kich-thuoc-video-tiktok-2-1714402846.jpeg
TikTok được đánh giá cao khi phối hợp hiệu quả định dạng video ngắn

Việc sử dụng video ngắn cũng mang đến cho TikTok nhiều lợi thế dẫn đầu. Trước đó, Instagram đã tung ra Reels vào năm 2020 hay YouTube với Shorts vào năm 2021 nhưng đều đi sau TikTok vài năm kinh nghiệm phát triển sản phẩm và cơ sở dữ liệu của người dùng.

Ngoài việc đề xuất nội dung theo sở thích và mối quan tâm, TikTok còn khá thông minh khi thường xuyên gợi ý những nội dung nằm ngoài sở thích của người dùng. Đây được coi là yếu tố đóng vai trò thiết yếu trong trải nghiệm của mỗi người. Đồng thời, việc làm này nhằm tìm hiểu rõ hơn nhu cầu người dùng và tối đa hóa khả năng giữ chân người xem thông qua những video thú vị không liên quan. Theo báo cáo mới đây được công bố từ các nhà nghiên cứu Mỹ và Đức thì thuật toán của TikTok chỉ khai thác sở thích người dùng trong 30-50% video đề xuất.

Điều đặc biệt là, thuật toán đề xuất của TikTok được phát triển dựa trên ứng dụng Douyin. Mặc dù, ByteDance nhiều lần nói TikTok và Douyin là những ứng dụng độc lập, nhưng một số chuyên gia đánh giá rằng thuật toán của cả hai có rất nhiều nét tương đồng.

tiktok-vs-douying-jpeg-5779-1591375690-1714402885.jpg
Thuật toán đề xuất của TikTok được phát triển dựa trên ứng dụng Douyin

Yikai Li, cựu giám đốc tại ByteDance tiết lộ: Trong những năm 2018-2019, Douyin đã tìm cách để dán nhãn nội dung và người dùng trên nền tảng. Họ thuê nguồn lao động giá rẻ tại Trung Quốc để đánh dấu từng video một cách thủ công và đây cũng là cách thức mà TikTok áp dụng.

Bên cạnh đó, một trong những chiến lược hiệu quả khác của TikTok là khuyến khích người dùng tập trung vào các nhóm công khai thông qua hashtag. Đây là cách giúp TikTok tìm hiểu rõ hơn về hành vi và sở thích cũng như tư tưởng của người sử dụng.