Vàng miếng bất ngờ tăng sau nhiều ngày "bất biến": Chuyên gia cho rằng vẫn cần đồng pha với thế giới

Sau thời gian “bất động” kéo dài hơn 1 tháng, giá vàng SJC bất ngờ tăng vọt lên mức 80 triệu đồng/lượng. Giới chuyên gia cho rằng, giá vàng thế giới tăng quá nhanh, nếu không neo theo, NHNN sẽ phải bán ra dưới giá vốn.

Thay đổi bất ngờ

Ngày 18/7, giá vàng miếng SJC chính thức chấm dứt chuỗi ngày “bất biến” ở mức giá 76,98 triệu đồng/lượng kéo dài hơn 1 tháng qua. Hiện, 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC đã nâng giá vàng miếng SJC lên mức 80 triệu đồng/lượng chiều bán ra, tương đương tăng 3,02 triệu đồng.

Theo tìm hiểu, việc tăng giá bán của các ngân hàng và Công ty SJC là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng giá bán cho các đơn vị. Bởi lẽ, ngay tại thời điểm bắt đầu thực hiện giải pháp bình ổn thị trường vàng thông qua việc bán trực tiếp cho 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC, NHNN cho biết sẽ giao với mức giá tương đương với giá vàng thế giới.

gia-vang-viet-nam-1721303913.png
Giá vàng tại một số thương hiệu lớn đã điều chỉnh cả chiều mua vào và bán ra

Biện pháp này giúp kéo chênh lệch giá vàng SJC trong nước và thế giới từ mức 15-20 triệu đồng/lượng xuống còn 3 - 4 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá vàng thế giới có diễn biến tăng quá nhanh, có thời điểm đã vượt 2.480 USD/ounce.

Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới đã vượt 76,06 triệu đồng/lượng, cao hơn mức giá NHNN bán cho các ngân hàng thương mại và Công ty SJC hồi đầu tháng 6 (75,98 triệu đồng/lượng). Nếu vẫn tiếp tục giữ nguyên giá bán cho 5 đơn vị “bình ổn”, NHNN sẽ rơi vào tình trạng bán hàng dưới giá vốn.

Như vậy, theo chuyên gia vàng Trần Duy Phương, việc điều chỉnh giá bán tại ngày 18/7 là hợp lý với giá vàng thế giới. Hơn nữa, NHNN can thiệp thị trường nhằm mục tiêu tăng nguồn cung, kéo giảm chênh lệch với thế giới chứ không hướng đến việc neo giữ giá vàng. Theo đó, giá vàng thế giới tăng, giá vàng trong nước cũng phải tăng theo.

Với mức giá bán ra 80 triệu đồng/lượng như hiện nay, giá vàng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng hơn 4,3 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và các chi phí khác.

Ngay sau khi giá vàng tại các đơn vị “bình ổn” tăng lên, trên thị trường tự do, giá giao dịch vàng miếng cũng tăng lên mức 82,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra, giá mua vào cũng neo theo 81,54 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn cũng ghi nhận giá giao dịch ở mức 77,58 – 76,58 triệu đồng/lương chiều bán ra – mua vào, khoảng cách giữa giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC tiếp tục được kéo giãn ra sau nhiều ngày tiệm cận.

Giá vàng đang ở đỉnh kỷ lục, người dân nên thận trọng

Lý giải về diễn biến bất ngờ của giá vàng miếng SJC trong phiên 18/7, ông Nguyễn Quang Huy – CEO Khoa Tài chính ngân hàng Trường Đại học Nguyễn Trãi cho biết, giá vàng thế giới tăng mạnh trong khi vàng trong nước vẫn liên thông với giá vàng thế giới nên phải điều chỉnh cho đồng pha.

Tuy nhiên, ông Huy khuyến cáo, nhà đầu tư và người dân cần thận trọng vì giá vàng thế giới hay trong nước đều đang ở vùng đỉnh kỷ lục trong nhiều năm qua, nên cần phân tích, tìm hiểu, đánh giá rủi ro, tránh các quyết định cảm tính.

Trong thời gian tới, giá vàng thế giới có thể tiếp cận vùng đỉnh 2.500-2.600 USD/ounce, nhưng về yếu tố kỹ thuật đây là vào vùng “quá mua” nên sẽ có những nhịp điều chỉnh giảm mạnh. Dù có biến động theo thế giới nhưng theo ông Huy, giá vàng trong nước vẫn chịu sự tác động từ chính sách điều tiết vĩ mô của NHNN, cũng như Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng.

gia-vang-1721303839.jpg
Giá vàng có thể vẫn sẽ tăng trong giai đoạn tới

Cũng đưa ra dự báo về xu hướng giá vàng thế giới trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cũng cho rằng vẫn còn đi lên. Như ông Suan Tek In - Giám đốc Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB cho biết, đồng USD trở nên bớt mạnh hơn do các đợt cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Đồng thời, tỷ lệ dự trữ ngoại hối bằng vàng của nhiều ngân hàng trung ương thời gian qua cũng trong xu hướng tăng. Theo đó, UOB dự báo giá vàng thế giới sẽ thiết lập kỷ lục mới 2.700 USD/ounce vào giữa năm sau.

Với những yếu tố này, ông Huỳnh Trung Khánh – Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) nhận định, NHNN có thể sẽ nâng giá bán can thiệp vàng miếng để không thấp hơn so với thế giới. Không rõ chính sách bán vàng can thiệp và “ấn định” giá sẽ được NHNN duy trì trong bao lâu, nhưng đây chỉ là biện pháp tình thế.

Cùng ý kiến với ông Khánh, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, bán can thiệp nếu kéo dài và đáp ứng thực sự nhu cầu cho thị trường, đặc biệt vào những giai đoạn cao điểm, sẽ tiêu hao nguồn lực quỹ dự trữ ngoại hối.