Xe đạp lấn làn ô tô: Đừng coi "lý do to hơn mục đích"

Luật sư Nguyễn Chí Thắng chia sẻ, việc đạp xe thể dục nhưng lại coi thường an toàn, liều mình để đánh đổi tính mạng vì sức khỏe là hành động cần bị lên án. Để phong trào đạp xe thực sự mang lại ý nghĩa tích cực, trước hết, những người tham gia cần chấp hành nghiêm túc luật giao thông.

Nguy hiểm khi đi xe đạp vào cao tốc

Thời gian qua, lực lượng CSGT Hà Nội và TP. HCM đã tăng cường xử phạt nhiều vụ việc người dân đi xe đạp vào cao tốc, đường cấm. Đa phần những người này đều lấy lý do đi tập thể dục. Điển hình như vào đầu tháng 12 vừa qua, CSGT Hà Nội đã lập tổ công tác xử phạt trên đường Võ Nguyên Giáp.

Tuyến đường này nối sân bay Nội Bài với nhiều làn xe, cho phép tốc độ tối đa lên đến gần 100km/h. Đây cũng là tuyến đường mà CSGT thường xuyên tổ chức các hoạt động đón, dẫn đoàn từ sân bay về trung tâm Hà Nội. Việc người tham gia giao thông bằng xe đạp vi phạm, chiếm làn đường dành cho xe có tốc độ cao, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn nghiêm trọng.

xe-dap-1-1734915622.jpg
Lực lượng CSGT xử phạt người đi xe đạp vi phạm trên đường Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Trường Thắng/CAND)

Thực tế ghi nhận, không riêng tuyến đường này, việc từng đoàn xe đạp vi phạm trên các đại lộ khác ở Hà Nội từ lâu đã gây ra sự bức xúc trong cộng đồng. Những nhóm xe đạp thường tụ tập đông đúc vào các ngày cuối tuần, di chuyển theo từng tốp. Nhiều hình ảnh vi phạm của các đoàn xe đạp này đã được chia sẻ trên các trang mạng xã hội.

Đã có trường hợp tài xế ô tô đi đúng luật bị ảnh hưởng bởi đoàn xe đạp, dẫn đến cãi vã. Sau đó, đoàn xe đạp dừng lại giữa đường và tập trung vây quanh chiếc xe ô tô để đe dọa, hành hung tài xế. Sự việc này đã gây tắc nghẽn giao thông trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp khiến nhiều phương tiện phải dừng lại giữa đường.

Tại TP. HCM, tình trạng các đoàn xe đạp chạy vào làn đường ô tô, vượt đèn đỏ, dàn hàng ngang cũng diễn ra trên đường Phạm Văn Đồng và Nguyễn Văn Linh, gây mất trật tự an toàn giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Ghi nhận thực tế, lúc 5 giờ sáng ngày 22/12, một đoàn xe đạp đã di chuyển vào làn ô tô trên đường Phạm Văn Đồng, hướng từ cầu Bình Lợi về ngã tư Linh Xuân. Chỉ vài phút sau, thêm một nhóm khoảng 10 xe đạp khác chạy vào làn hỗn hợp dành cho xe máy và ô tô. Tình trạng này kéo dài liên tục đến gần 6 giờ sáng, khi hàng chục xe đạp chiếm lĩnh làn ô tô và lấn sang cả làn hỗn hợp xe máy và ô tô. Người tham gia giao thông không khỏi bức xúc vì đoàn xe đạp dàn hàng ngang, chiếm gần hết làn đường dành cho phương tiện khác trên đường Phạm Văn Đồng.

Hay trên đường Nguyễn Văn Linh, tình trạng đoàn xe đạp lên đến hơn chục chiếc lao đi vun vút diễn ra thường xuyên. Những chiếc xe đạp lấn vào làn hỗn hợp, dàn hàng 3 trên đường Nguyễn Văn Linh, đoạn qua cầu Cần Giuộc (quận 8 giáp huyện Bình Chánh) làm người đi xe máy phải liên tục bấm còi vì không thể vượt qua.

Tương tự, tại đường Võ Văn Kiệt, nhiều đoàn xe đạp cũng không tuân thủ luật giao thông, thường xuyên vượt đèn đỏ và chạy vào làn ô tô.

xe-dap-2-1734915622.jpg
Người dân đạp xe tập thể dục cũng cần tuân thủ đúng luật giao thông

Tập thể dục cũng phải đúng luật giao thông

Trước thực trạng này,) Công an TP. HCM đã chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm của xe đạp, đặc biệt là những trường hợp xe đạp di chuyển vào làn đường ô tô, gây ra nhiều vụ tai nạn thương vong trong thời gian qua.

Phòng CSGT TP.HCM cũng đã đưa ra nhiều khuyến cáo với người đi xe đạp (đa phần là người tham gia giao thông vào buổi sáng để tập thể dục) phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Luật Giao thông đường bộ, bao gồm việc đi đúng phần đường, làn đường quy định; khi có phần đường dành cho xe thô sơ, phải đi đúng phần đường đó; khi có vạch kẻ phân làn, xe đạp phải đi trên làn bên phải trong cùng; giữ khoảng cách an toàn với các phương tiện phía trước và các xe chạy cùng chiều; chỉ đi hàng một, không được dàn hàng ngang và phải chấp hành tín hiệu đèn giao thông.

PC08 nhấn mạnh, từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, người điều khiển xe đạp phải sử dụng đèn tín hiệu hoặc có thiết bị báo hiệu phía trước và sau xe. Khi di chuyển vào ban đêm, người đi xe đạp nên mặc trang phục có phản quang hoặc màu sáng để dễ nhận diện từ xa. Ngoài ra, người điều khiển và người ngồi trên xe đạp điện cần đội mũ bảo hiểm và cài quai đúng quy cách để đảm bảo an toàn khi chuyển hướng.

PC08 còn lưu ý, người đi xe đạp phải chú ý quan sát và chủ động phòng tránh việc di chuyển vào điểm mù của các phương tiện lớn; không được vượt qua các phương tiện đã có tín hiệu chuyển hướng, không vượt qua tại các giao lộ hoặc khi mất tầm nhìn quan sát và không được cắt ngang đầu các phương tiện lớn khi rẽ tại giao lộ.

Trong khi đó, Phòng CSGT Hà Nội đánh giá, hành vi vi phạm của những người đi xe đạp không chỉ vi phạm luật giao thông mà còn thiếu văn hóa giao thông, sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Luật sư Nguyễn Chí Thắng - Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, theo Luật Giao thông đường bộ, người tham gia giao thông phải di chuyển bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và tuân thủ hệ thống báo hiệu giao thông. Cụ thể, người điều khiển xe đạp, xe máy, hoặc các phương tiện thô sơ khác nếu vượt đèn đỏ hoặc không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng.

Trong trường hợp người điều khiển xe đạp lấn làn ô tô và gây tai nạn nghiêm trọng, có thể bị xử lý hình sự theo Điều 260 Bộ Luật Hình sự, với mức phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm, tùy theo mức độ hậu quả.

Luật sư Nguyễn Chí Thắng chia sẻ, việc đạp xe thể dục nhưng lại coi thường an toàn, liều mình để đánh đổi tính mạng vì sức khỏe là hành động cần bị lên án. Để phong trào đạp xe thực sự mang lại ý nghĩa tích cực, trước hết, những người tham gia cần chấp hành nghiêm túc luật giao thông. Thực tế, nhiều người tuân thủ quy định cũng cảm thấy bị ảnh hưởng và mất hình ảnh khi chứng kiến những "vận động viên" không chuyên vi phạm.