Hãng xe công nghệ bị xem xét trách nhiệm nếu để tài xế vi phạm giao thông nhiều lần

Công điện của Thủ tưởng có nội dung, với xe mô tô kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa qua các ứng dụng gọi xe trực tuyến, yêu cầu cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm và đánh giá trách nhiệm của các đơn vị quản lý ứng dụng khi để xảy ra tình trạng tài xế vi phạm giao thông nhiều lần.

Xử lý nghiêm, không có ngoại lệ

Ngày 11/12, Phòng CSGT Công an TP. HCM thông tin, Trạm CSGT Tân Túc đã xác định được tài xế xe công nghệ trong lúc điều khiển xe máy, đã dùng chân đẩy ô tô di chuyển trên Quốc lộ 1. Đó là anh P.M.T (Tiền Giang). Trạm đã mời anh P.M.T đến làm việc.

Tại buổi làm việc, anh P.M.T thừa nhận vào khoảng 13h30 ngày 20/11, anh đã lái xe máy và dùng chân hỗ trợ đẩy một ô tô vào lề đường với mục đích giúp tài xế. Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận hành vi này vi phạm quy định giao thông và cam kết chấp hành các biện pháp xử phạt theo quy định pháp luật.

tai-xe-cong-nghe-1734151496.jpeg
Cảnh sát giao thông làm việc với tài xế vi phạm

Trạm CSGT Tân Túc đã lập biên bản vi phạm hành chính với anh P.M.T theo quy định tại điểm k, khoản 3, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời tạm giữ Giấy phép lái xe mô tô.

Trước đó, chiều ngày 9/12, tại ngã 5 Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội), Tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3 cũng đã tiến hành kiểm tra và xử lý hàng loạt tài xế xe ôm công nghệ vi phạm giao thông. Các lỗi phổ biến bao gồm vượt đèn đỏ, đi ngược chiều và đặc biệt là việc sử dụng điện thoại khi đang điều khiển xe máy.

Nói về vi phạm của mình, tài xế T.V.T. (56 tuổi, quê Nam Định) cho biết, do đường tắc quá, ông lại vội đi giao hàng cho khách ở tận Mễ Trì nên trót vi phạm. Trong khi đó, nhiều tài xế khác biện minh rằng họ vi phạm vì muốn "tiết kiệm thời gian" hoặc "đường tắc nên phải đi vội".

Đối với lỗi vượt đèn đỏ, cảnh sát giao thông đã lập biên bản xử phạt 900.000 đồng và tước giấy phép lái xe trong 2 tháng. Chị Lê Hồng Hạnh (quận Hoàng Mai) - hành khách của một tài xế vi phạm, chia sẻ chị cần đi vội nhưng không yêu cầu tài xế phải bất chấp luật giao thông. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn cho hành khách.

Đến khoảng 17h10, tổ công tác phát hiện tài xế xe ôm công nghệ P.C.K. (32 tuổi, quê Vĩnh Phúc) vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại. Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt và tước giấy phép lái xe trong 2 tháng.

Trung tá Bùi Đăng Hùng - cán bộ Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3 cho biết, thời gian gần đây, đơn vị liên tục xử lý các vi phạm như đi ngược chiều, vượt đèn đỏ và sử dụng điện thoại khi lái xe. Đây là những nguyên nhân chính gây ùn tắc và tai nạn giao thông.

Trung tá Hùng nhấn mạnh, mhóm tài xế xe ôm công nghệ chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong số các vi phạm, và nhiều người có suy nghĩ rằng lực lượng chức năng sẽ bỏ qua cho mình. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định sẽ xử lý nghiêm, không có ngoại lệ.

tai-xe-cong-nghe-1-1734151527.jpg
Hãng xe công nghệ bị xem xét trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng tài xế vi phạm giao thông nhiều lần (Ảnh: Trường Thắng/Công an Nhân dân)

Xem xét trách nhiệm đơn vị quản lý ứng dụng

Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện 132 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an tăng cường hướng dẫn Công an các đơn vị và địa phương thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông, đặc biệt là những hành vi trực tiếp gây ra tai nạn hoặc là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn nghiêm trọng.

Trong công điện có nội dung đáng chú ý, với xe mô tô kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa qua các ứng dụng gọi xe trực tuyến, yêu cầu cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm và đánh giá trách nhiệm của các đơn vị quản lý ứng dụng khi để xảy ra tình trạng tài xế vi phạm giao thông nhiều lần.

Trước tình hình vi phạm gia tăng của tài xế công nghệ, Phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đội tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ xe ôm công nghệ và shipper.

Đại diện Phòng CSGT Hà Nội cho biết, xe ôm công nghệ và shipper là những đối tượng tham gia giao thông thường xuyên trên các tuyến phố của Hà Nội. Họ đều hiểu rõ các quy định của Luật Giao thông đường bộ và những hành vi bị cấm như đi ngược chiều, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu hay biển báo giao thông. Vì vậy, thay vì biện minh cho các vi phạm, họ cần nhận thức rằng việc điều khiển phương tiện đúng luật không chỉ đảm bảo an toàn cho chính mình mà còn cho những người tham gia giao thông khác.

Lực lượng CSGT TP. Hà Nội sẽ kiên quyết xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm giao thông này nhằm tăng cường hiệu quả răn đe và ngăn chặn tình trạng coi thường luật pháp. Đồng thời, lực lượng chức năng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến đối tượng xe ôm, góp phần nâng cao ý thức và cải thiện bộ mặt giao thông của Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại và an toàn.

Dự báo từ nay đến cuối năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân sẽ tăng cao, kéo theo việc vận chuyển hàng hóa cũng gia tăng, làm gia tăng hành vi vi phạm trong quá trình vận chuyển. Do đó, lực lượng CSGT Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra và xử lý các vi phạm, nhằm ngăn ngừa ùn tắc và tai nạn giao thông.