Những vụ việc đáng tiếc
Thời gian qua, nhiều tình huống va chạm giao thông đơn giản nhưng vì không giữ được bình tĩnh, nhiều người đã bị cuốn vào xung đột dẫn đến những hậu quả như cãi vã, hành hung, thậm chí phá hoại tài sản.
Gần đây nhất, ngày 9/12, Công an TP. Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) cho biết đã tạm giữ đối tượng Lê Xuân Toàn (SN 1986, quê Hà Nội, hiện đang sinh sống tại phường Uyên Hưng, TP. Tân Uyên) để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng và cố ý làm hư hỏng tài sản.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 15 giờ ngày 7/12, sau khi đi nhậu về, Lê Xuân Toàn điều khiển xe mô tô di chuyển trên đường ĐT747A. Khi đến gần chợ Quang Vinh 3 (thuộc khu phố 1, phường Hội Nghĩa), xe của Toàn đã va chạm với xe ô tô do anh P. điều khiển, đang lưu thông cùng chiều. Cú va chạm khiến Toàn bị loạng choạng tay lái.
Ngay lập tức, Toàn đã sử dụng xe chặn đầu ô tô với ý định hành hung tài xế. Đối tượng còn lấy một cây gỗ để đập vỡ kính chắn gió của xe ô tô, gây hư hỏng nặng cho chiếc xe. Tài xế hoảng sợ phải mở cửa xe, chạy ra ngoài. Sự việc xảy ra vào giờ cao điểm khiến giao thông đoạn đường này bị tắc nghẽn. Nhận được tin báo, Công an TP. Tân Uyên đã có mặt tại hiện trường, khống chế và đưa Toàn về trụ sở làm việc.
Ngày 6/12, Công an quận Bình Tân (TP. HCM) cũng đã ra quyết định xử phạt H.M.T (19 tuổi, quận Bình Tân) 6,5 triệu đồng về hành vi cố ý gây thương tích hoặc xâm phạm sức khỏe của người khác, tuy nhiên chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip dài 23 giây ghi lại cảnh xảy ra trên đường Hương Lộ 3 (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, giáp với quận Tân Phú): Hai người đi xe máy tay ga vượt lên gần một người đàn ông lái xe máy chở thùng hàng. Bất ngờ, người chạy xe máy tay ga đã vung chân đạp ngã người chở hàng. Để tránh va chạm, một số phương tiện đi đường đã phải thắng gấp. Toàn bộ sự việc được ghi lại bởi camera hành trình trên một ô tô.
Vào cuộc điều tra, Công an quận Bình Tân xác minh H.M.T là đối tượng đạp người nên đã mời tới làm việc. Tại cơ quan công an, T. thừa nhận hành vi của mình và cho biết do người đàn ông chở thùng hàng suýt va vào xe máy của mình nên bực tức tăng ga đuổi theo, rồi đạp ngã xe của người này.
Cần giữ bình tĩnh, ứng xử văn minh
Những sự việc trên cho thấy cách ứng xử văn minh, giữ cái “đầu lạnh” nếu không may xảy ra va chạm giao thông trên đường là rất cần thiết với mỗi người. Điều này cần phải trở thành văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông trong thời đại hiện nay.
Phòng CSGT Công an TP. HCM đã nhiều lần khuyến cáo, người dân khi tham gia giao thông cần giữ bình tĩnh và kiên nhẫn trong mọi tình huống. Tuy nhiên, thực tế một số người vẫn không thể kiềm chế được cảm xúc khi gặp phải xung đột trên đường, dễ bị cuốn vào cãi vã, thậm chí sử dụng bạo lực. Chính sự mất kiểm soát cảm xúc đã dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật, kéo theo nhiều hệ lụy không mong muốn.
Theo các chuyên gia, việc giữ tỉnh táo khi tham gia giao thông là vô cùng quan trọng để bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng. Các va chạm giao thông dù không ai mong muốn, nhưng nếu xảy ra, việc xử lý khéo léo và ứng xử văn minh sẽ giúp tránh những xung đột không cần thiết. Đặc biệt, nhiều vụ bạo lực chỉ bắt nguồn từ cảm xúc nhất thời.
Thiếu tá Võ Ngọc Toản - giảng viên Trường Đại học An ninh nhân dân nhận định, hành vi bạo lực trong giao thông đã tồn tại từ lâu nhưng hiện nay lại càng phổ biến. Nguyên nhân chính là ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân còn yếu kém. Việc thiếu kiềm chế và không tuân thủ luật giao thông khiến người tham gia dễ dàng nảy sinh xung đột, dẫn đến hành vi quá khích.
Theo Thiếu tá Toản, bất kể ai đúng hay sai, việc xô xát và tranh cãi trên đường phố là hành vi không đúng đắn, ảnh hưởng đến những người xung quanh, gây mất trật tự và an toàn giao thông, đồng thời có thể thu hút đám đông, tạo ra tình huống bất ổn.
Những yếu tố như đường phố đông đúc, áp lực thời gian khi di chuyển, hay những bất cập trong hệ thống giao thông cũng có thể là nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng cho người tham gia. Thiếu tá Toản nhấn mạnh, thái độ bình tĩnh và tỉnh táo trong mọi tình huống sẽ giúp giảm thiểu các xung đột không cần thiết, tạo ra môi trường giao thông an toàn và văn minh.
Người dân không nên tự xử lý các xung đột mà hãy tìm đến sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng. Nếu bị khiêu khích hoặc đối mặt với hành vi hung hãn, tốt nhất nên tránh xa, ghi nhận các bằng chứng cần thiết để bảo vệ bản thân và cung cấp cho cơ quan chức năng.
Luật sư Nguyễn Quang Hùng - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, những vụ va chạm không nghiêm trọng về người và tài sản, các bên có thể tự thỏa thuận với nhau, trên tinh thần cảm thông và hài hòa. Còn trong trường hợp một bên không kiềm chế được cảm xúc, có ý định xâm phạm tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác hoặc nếu vụ việc trở nên nghiêm trọng và phức tạp, cần giữ nguyên hiện trường và thông báo ngay cho cơ quan công an để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Luật sư Nguyễn Quang Hùng khuyến cáo, không nên vì tức giận hay bức xúc nhất thời mà hành động cực đoan, điều này có thể dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng, bao gồm các vụ án hình sự như cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng…