"Quán cà phê rộng nhất TP. HCM"
Từ 7 giờ sáng, đặc biệt là vào các ngày cuối tuần, khu vực xung quanh Công viên 30 Tháng 4, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, hồ Con Rùa… luôn tấp nập người qua lại. Từng đôi bạn, nhóm bạn trẻ ngồi bệt trên nền xi-măng, tay cầm ly cà phê nóng hổi, trò chuyện rôm rả, chụp ảnh lưu niệm.
Không cần không gian cầu kỳ, cũng không có máy móc hiện đại, chẳng có những chiếc ghế ngồi sang trọng, người bán chỉ đơn giản với một xe đẩy nhỏ đầy đủ các loại thức uống, một tấm biển mộc mạc và vài tấm ni-lông, bìa carton trải ra. Dưới cái nắng ban mai, họ nở nụ cười chèo kéo khách, tạo nên một khung cảnh vừa nhộn nhịp vừa bình dị.
Mỗi ly cà phê tại đây có giá từ 15.000 - 20.000 đồng. Chỉ cần chọn một góc "bệt" trong công viên, khách đã có thể tận hưởng trọn vẹn không gian đặc biệt này. Thậm chí, dù nắng đã lên cao, "quán cà phê rộng nhất TP. HCM" này vẫn luôn đông khách đến tận trưa, mang lại cảm giác gần gũi và thân quen giữa lòng thành phố sôi động.
Ngồi uống cà phê giữa không gian rộng lớn, thoáng mát và nhộn nhịp trong công viên là lý do khiến nhiều bạn trẻ chọn cà phê "bệt" thay vì vào quán. Phạm Nguyễn Như Quỳnh (21 tuổi, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại) chia sẻ, cô rất yêu thích thói quen uống cà phê "bệt" cùng bạn bè. Trước đây, cô hay thức dậy trễ, nên thường ngại không đi. Dạo gần đây, giới trẻ Sài Gòn có xu hướng đi cà phê “bệt” muộn hơn, 9h - 10h sáng, mọi người vẫn còn ngồi đầy quanh các khu vực, chủ yếu là trò chuyện và chụp ảnh. Điều này giúp cô có thể thức dậy thoải mái mà không lo là quán sẽ vắng khách.
Còn Phạm Khánh Vy (quận Phú Nhuận) cho hay, cô cùng 2 người bạn thường ngồi cà phê "bệt" tại công viên 30/4 vào sáng chủ nhật. Trong tuần phải đi học, cuối tuần thì làm thêm nên cô thường tranh thủ thời gian ít ỏi buổi sáng trước khi vào làm để tranh thủ tận hưởng không khí của Sài Gòn.
Cần một cơ chế quản lý
Không biết từ bao giờ, cà phê "bệt" đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa của người dân TP. HCM, trở thành một phong cách sống gần gũi và dễ chịu. Dù có sự đa dạng về thói quen và không gian quán cà phê hiện nay, nhưng những quán cà phê "bệt" vẫn luôn giữ được sức hút đặc biệt. Nó không chỉ là nơi thư giãn, mà còn là nơi kết nối cộng đồng, tạo ra những câu chuyện và cảm giác gắn kết cho những ai yêu Sài Gòn.
Sau hơn 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, thói quen này đã dần dần quay trở lại, đem lại những khoảnh khắc thư giãn và là nơi gặp gỡ của giới trẻ thành phố. Tuy nhiên, đằng sau vẻ sôi động và dễ chịu ấy, vẫn tồn tại những vấn đề chưa được giải quyết.
Một trong những thực trạng đáng lo ngại là việc người bán tận dụng các lối đi công cộng cho khách ngồi. Trong khi, nhiều bạn trẻ chọn đỗ xe dưới lòng đường dù xung quanh có nhiều điểm giữ xe. Khi lực lượng trật tự đô thị kiểm tra, cảnh tượng hỗn loạn thường xảy ra: Khách vừa cầm ly cà phê vừa vội vàng thu dọn đồ đạc hoặc leo lên xe bỏ chạy. Những khoảnh khắc này tạo nên khung cảnh xô bồ và mất trật tự.
Rồi khi nhân viên trật tự đô thị rời đi, mọi thứ lại trở về như cũ - người bán tiếp tục trải tấm ni-lông, khách quay lại và cuộc vui lại tiếp tục. Một người bán chia sẻ: "Trật tự đô thị đuổi thì mình phải né thôi, ngày nào họ cũng đuổi 2 - 3 lần".
Đáng chú ý hơn cả là tình trạng "người đi, rác ở lại". Sau khi nhóm khách rời đi, ly nhựa, vỏ chai, thức ăn thừa và các loại rác khác thường bị bỏ lại. Dù thùng rác đã được bố trí dọc các lối đi công viên và trên vỉa hè, nhưng hình ảnh vỏ nhựa, hộp đựng thức ăn, tàn thuốc hay cà phê thừa vương vãi trên mặt đất vẫn không hiếm. Điều này khiến khu vực trung tâm trở nên bẩn thỉu. Đôi khi, nhóm này vừa rời đi, nhóm khác lại vô tư ngồi xuống mà không màng đến rác thải của những người trước.
Trần Nhật Lam (ngụ quận Phú Nhuận) chia sẻ, cậu từng bị móc túi khi tham gia cà phê “bệt” với bạn bè. Không gian đông đúc và lộn xộn khiến cậu không kịp phản ứng. Sau lần đó, cậu đã hạn chế tham gia những buổi cà phê bệt vào ban đêm dù rất thích.
Hiện nay, hầu hết các điểm cà phê "bệt" tại TP. HCM đều hình thành một cách tự phát. Các bạn trẻ thường truyền tai nhau những địa điểm nổi tiếng để đến trải nghiệm, tạo nên một không gian sinh hoạt đầy sức sống nhưng cũng tiềm ẩn không ít vấn đề về an ninh, vệ sinh và quản lý. Trước những thách thức này, nhiều bạn trẻ đã đưa ra những đề xuất thiết thực để cải thiện tình hình.
Anh Hoài Lâm (ngụ quận 8) cho biết, thành phố nên quy hoạch những khu vực riêng biệt dành cho cà phê “bệt”, với cơ sở hạ tầng tốt hơn và đảm bảo vấn đề quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này không chỉ nhằm đảm bảo sự phát triển của không gian cà phê bệt mà còn giúp xây dựng môi trường an toàn và văn minh hơn cho người tham gia.
Trong khi đó chị Phạm Thị Minh Tâm (quận Bình Tân) lại đưa ra ý kiến về việc nâng cao ý thức cộng đồng như có thể tổ chức những buổi giao lưu hoặc vẽ tranh tường tối giản về chủ đề giữ gìn vệ sinh công cộng. Việc này không chỉ giúp cải thiện ý thức của người tham gia mà còn tạo ra những hoạt động sáng tạo, góp phần nâng cao giá trị văn hóa không gian chung.
Cà phê "bệt" hiện đã trở thành một trào lưu được giới trẻ TP. HCM yêu thích. Tuy nhiên, để duy trì vẻ đẹp và sự văn minh cho không gian công cộng, cần có những kế hoạch quản lý hợp lý, từ việc đảm bảo trật tự giao thông đến việc nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, để không làm mất điểm trong mắt khách du lịch và cộng đồng.