Tuyển sinh đại học 2024: Thông tin các kỳ thi đánh giá năng lực từ tháng 3 đến tháng 6

Nhiều trường đại học dựa vào điểm thi đánh giá năng lực, tư duy để xét tuyển sinh. Do vậy, các kỳ thi này rất quan trọng với những sĩ tử đang học lớp 12. Dưới đây là thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực của 6 trường đại học trên cả nước.
Điểm thi đánh giá năng lực dùng để xét tuyển đại học

Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA)

Năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức 6 đợt thi với quy mô 84.000 lượt thí sinh. Trường mở đăng ký cho thí sinh từ ngày 18/2. Vào ngày này, do lượng truy cập đăng ký quá lớn dẫn đến nghẽn mạng. Nhiều thí sinh phải ngồi từ 9h sáng đến hơn 11h mới có thể truy cập vào để đăng ký thi.

Thí sinh đăng ký thi cần chọn địa điểm, ngày thi, ca thi. Thí sinh được chọn tối đa hai lượt thi, cách nhau ít nhất 28 ngày. Hệ thống đăng ký chỉ cho phép tài khoản đăng nhập và thao tác trên một thiết bị máy tính tại cùng thời điểm. Lệ phí thi được nhà trường đưa ra là 500.000 đồng/lượt.

Lịch đăng ký và ngày thi của Đại học Quốc gia Hà Nội

Bài thi được làm trên máy tính. Mỗi môn thi dài từ 195 đến 199 phút. Đề thi được chia làm ba phần với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan (lựa chọn đáp án) và câu hỏi điền đáp án môn Toán học (50 câu, làm bài trong 75 phút), Văn học - Ngôn ngữ (50 câu, 60 phút), Khoa học tự nhiên - xã hội (50 câu, 60 phút). Phần 1 và 3 sẽ có thêm 1 - 3 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm. Thí sinh tra cứu kết quả thi và nhận giấy chứng nhận sau 14 ngày.

Hơn 90 trường đại học dùng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy của Đại học Quốc gia Hà Nội để tuyển sinh.

Đại học Quốc gia TP. HCM

Năm nay, Đại học Quốc gia TP. HCM có hai đợt thi đánh giá năng lực, tư duy vào ngày 7/4 và 2/6. Đợt 1 đăng ký dự thi đã mở và sẽ kết thúc vào ngày 4/3. Lịch đăng ký đợt 2, nhà trường chưa công bố. Lệ phí dự thi mỗi đợt là 300.000 đồng.

Đại học Quốc gia TP. HCM tổ chức thi đợt 1 tại 24 địa phương: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Đắk Lắk, Bình Dương, TP. HCM, Vĩnh Long, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang, Bình Phước, Tây Ninh Bạc Liêu. Nhà trường sẽ công bố điểm thi đợt 1 vào ngày 15/4.

Trường tổ chức thi đợt 2 được tại 12 địa phương: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, An Giang, Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM. Trường sẽ công bố kết quả thi đợt 2 vào ngày 10/6.

Đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. HCM chia làm 3 phần với 120 câu hỏi trắc nghiệm: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, Tư duy logic và Phân tích số liệu; Giải quyết vấn đề. Thí sinh làm bài trong 150 phút, thang điểm 1.200.

Năm ngoái, có 105 trường sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. HCM để tuyển sinh. Kỳ thi đánh giá năng lực này có quy mô lớn nhất cả nước, với hơn 100.000 lượt thí sinh dự thi.

Đại học Bách khoa Hà Nội

Đại học Bách khoa Hà Nội cũng tổ chức 6 đợt thi đánh giá tư duy. Địa điểm tổ chức là Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng.

Lịch đăng ký và ngày thi đánh giá năng lực của Đại học Bách khoa Hà Nội

Thí sinh không bị giới hạn số lần thi. Tuy nhiên, ở những đợt sau, hệ thống sẽ ưu tiên người thi lần đầu. Lệ phí mỗi lần thi được nhà trường đưa ra là 450.000 đồng.

Nội dung và hình thức bài thi gồm ba phần: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút). Các câu hỏi được xây dựng dưới hình thức trắc nghiệm là chọn đáp án đúng, đúng/sai, kéo thả và câu trả lời ngắn.

Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ cấp giấy chứng nhận có thời hạn hai năm để thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường chấp nhận bài thi này.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực vào ngày 11/5. Địa điểm tổ chức là Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quy Nhơn và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng. Trường mở đăng ký dự thi ngày 15/3 đến 15/4. Mức lệ phí cho mỗi môn là 200.000 đồng. 

Đề thi của Đại học Sư phạm Hà Nội kết hợp trắc nghiệm và tự luận: Ngữ văn có 30% câu hỏi dạng trắc nghiệm và 70% tự luận. Tiếng Anh có 80% câu hỏi trắc nghiệm và tự luận là 20%. Các môn còn lại có tỷ lệ trác nghiệm là 70% và tự luận 30%. Thí sinh làm bài trực tiếp trên giấy. Trường sẽ thông báo kết quả thi trước ngày 1/6.

Hiện có 9 trường sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực này để tuyển sinh.

Trường Đại học Sư phạm TP. HCM

Trường Đại học Sư phạm TP. HCM tổ chức 3 đợt thi đánh giá năng lực trong năm nay, tăng 1 đợt so với năm ngoái. Trường sẽ tổ chức thi tại 2 địa điểm là TP. HCM và Long An. Kỳ thi gồm 6 bài thi: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Tiếng Anh. Thí sinh làm bài trên máy tính.

Lịch đăng ký và ngày thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm TP. HCM

Bài môn Toán, Lý, Hóa, Sinh gồm 50 câu hỏi (35 câu trắc nghiệm, 15 câu trả lời ngắn), kéo dài 90 phút. Bài thi Ngữ văn gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm và 1 bài viết nghị luận xã hội, kéo dài 90 phút. Riêng môn Tiếng Anh thời gian làm bài dài 180 phút với bốn phần nghe, nói, đọc, viết.

Thí sinh có thể đăng ký một hoặc nhiều bài thi, tùy theo nhu cầu và tổ hợp xét tuyển. Đặc biệt, kỳ thi đánh giá năng lực này mở rộng cho cả học sinh lớp 11, 12 và những người muốn dự thi.

Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM

Đây là năm thứ 2 Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng. Trường sẽ tổ chức 4 đợt thi, diễn ra từ tháng 3 – tháng 5. Kết quả kỳ thi này sẽ được trường dành xét tuyển 10 - 40% chỉ tiêu các chương trình chuẩn.

Lịch đăng ký và ngày thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM

Kỳ thi gồm 6 bài độc lập là Toán, Lý, Hóa, Tiếng Anh, Sử, Địa. Các môn thi làm bài trong 60 phút, riêng môn Toán là 90 phút. Lệ phí mỗi môn thi là 115.000 đồng.